Ngày đăng: 17/02/2012  

Trẻ từ 5 đến 9 tuổi dễ bị rubella.
Rubella còn được gọi là bệnh sởi Đức hoặc sởi 3 ngày, thường lây lan qua dịch từ mũi và cổ họng. Bệnh do virus rubella gây nên, ảnh hưởng tới da và các hạch bạch huyết.

Rubella có thể truyền từ mẹ sang thai nhi qua đường máu. Mặc dù đây chỉ là một bệnh nhẹ đối với trẻ em, song nó lại là hiểm họa đối với phụ nữ mang thai, đe dọa gây ra hội chứng rubella bẩm sinh ở bào thai đang phát triển.

Trước khi văcxin phòng rubella ra đời vào năm 1969, cứ 6 tới 9 năm thế giới lại chứng kiến một nạn dịch rubella. Thời kỳ đó, trẻ từ 5 đến 9 tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất và có rất nhiều ca bệnh rubella bẩm sinh. Ngày nay, nhờ các chương trình tiêm chủng cho trẻ nhỏ và thiếu niên, số bệnh nhân rubella giảm hẳn. Phần lớn sự lây nhiễm rubella hiện nay lại xuất hiện ở những thanh niên chưa được tiêm phòng. Trên thực tế, giới chuyên môn ước tính hiện có khoảng 10% số thanh niên mắc bệnh rubella, và đe doạ tới sức khỏe của đứa con trong tương lai.

Triệu chứng

Tình trạng lây nhiễm rubella thường bắt đầu bằng:

- Sốt nhẹ trong 1-2 ngày (khoảng 37,2 tới 37,8 độ C)

- Các hạch bạch huyết ở gáy và sau tai sưng và đau khi chạm vào

Sang đến ngày thứ 2 hoặc 3, hiện tượng phát ban bắt đầu xuất hiện trên mặt và dọc thân. Khi lan xuống phần dưới cơ thể, nó thường biến mất trên mặt. Các nốt mẩn thường là dấu hiệu đầu tiên mà cha mẹ có thể nhận biết.

Phát ban rubella trông giống như nhiều loại phát ban do virus khác. Nốt mẩn có màu hồng hoặc đỏ, xuất hiện thành từng mảng, có thể kèm theo ngứa trong vòng 3 ngày. Khi hết phát ban, vùng da bị ảnh hưởng sẽ bong ra.

Những triệu chứng khác của rubella (thường phổ biến ở thanh thiếu niên và người lớn) có thể là:

- Đau đầu

- Ăn mất ngon

- Viêm màng kết nhẹ

- Sổ mũi và nghẹt mũi

- Hạch bạch huyết sưng ở nhiều phần khác nhau trên cơ thể

- Đau và sưng khớp (đặc biệt ở thiếu nữ)

Tuy nhiên, nhiều người bị rubella lại không có hoặc có ít triệu chứng bệnh.

Khi rubella xảy ra ở phụ nữ mang thai, nó có thể gây ra hội chứng rubella bẩm sinh cực kỳ nguy hiểm đối với bào thai. Trẻ bị nhiễm virus rubella trước khi chào đời dễ bị chậm phát triển cả về thể lực và trí tuệ, bị dị tật ở tim và mắt, bị điếc và gặp nhiều sự cố ở gan, lá lách, tuỷ xương.

Truyền nhiễm

Virus rubella lây lan từ người sang người qua dịch từ cổ họng và mũi. Bệnh nhân rubella có nguy cơ truyền bệnh cao nhất một tuần trước khi phát ban và một tuần sau đó. Người bị lây nhiễm nhưng không có triệu chứng cũng dễ lây lan. Trẻ bị hội chứng rubella bẩm sinh có thể mang virus trong nước tiểu, dịch mũi và cổ họng trong vòng 1 năm hoặc lâu hơn, và truyền bệnh cho người chưa được tiêm phòng.

Thời gian ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh rubella là từ 14 đến 23 ngày, trung bình là 16-18 ngày.

Thời gian phát bệnh

Tình trạng phát ban rubella thường kéo dài 3 ngày. Tuy nhiên, các hạch bạch huyết có thể tiếp tục sưng trong vòng 1 tuần hoặc lâu hơn, và hiện tượng đau khớp có thể kéo dài hơn nửa tháng. Trẻ bị rubella sẽ bình phục trong 1 tuần, nhưng người lớn thì có thể lâu hơn.

Phòng bệnh

Có thể phòng tránh rubella bằng văcxin. Các chương trình tiêm chủng mở rộng phòng rubella đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh lây lan, giúp ngăn ngừa những dị tật bẩm sinh do hội chứng rubella bẩm sinh gây nên.

Văcxin rubella thường nằm trong chương trình tiêm chủng MMR (phòng bệnh sởi, quai bị và rubella). Trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi được tiêm mũi MMR thứ nhất. Mũi thứ hai được áp dụng từ 4 đến 6 tuổi, và không quá 11-12 tuổi. 

Văcxin rubella không dành cho phụ nữ có thai hoặc người có thể thụ thai trong vòng 1 tháng sau khi tiêm. Hãy thử máu để biết chắc là cơ thể đã miễn dịch đối với virus rubella trước khi mang thai. Nếu không, hãy tiêm phòng trước khi mang bầu ít nhất 1 tháng. Những thai phụ chưa được chủng ngừa cần cách ly với bệnh nhân và tiêm phòng sau khi sinh để chuẩn bị cho lần mang thai sau.

BS.Hoài sưu tầm ((Theo TYT) TYT)

Từ khoá:  Bệnh Rubella
Những bài liên quan
TÌM HIỂU VỀ BỆNH SỞI VÀ BỆNH RUBELLA

Bệnh Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi và rubella gây nên. B


Ghi chú: Quý bệnh nhân có thể nhấn vào link trên để đặt lịch hẹn khám bệnh ưu tiên từ 7h đến 11h vào những ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.



Giờ làm việc
Thứ 2 đến thứ 6:
   - Sáng: 07h00 – 11h30
   - Chiều: 13h00 – 16h30
Thứ 7, CN & ngày lễ trực cấp cứu 24/24.



Mã số:
Xem bệnh sử và tình hình sức khoẻ cá nhân.


Thông tin liên hệ

Trung tâm Y tế Huyện Vĩnh Cửu

Số 224 Đường Phan Chu Trinh, TT Vĩnh An, Vĩnh Cửu, Đồng Nai

Bản quyền thuộc về YteVinhCuu © 2011-2024

Phát triển bởi: HoSyAnh & KhaLa