Theo Đông y, long nhãn mùi thơm vị ngọt, thuộc tính ôn nhiệt, có chức năng bổ ích tâm tỳ, dưỡng cơ ích khí, dưỡng huyết an thần.
Nhãn là quả tươi rất được ưa chuộng, tuy nhiên phụ nữ mang thai không nên ăn long nhãn nhiều.
ThS.BS Nguyễn Thị Hằng, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết, long nhãn tính ngọt thơm, ấm, nên đối với người đờm hỏa bên trong và bị bệnh nóng trong thì không nên ăn, nhất là phụ nữ có thai dưới 3 tháng lại càng phải kiêng.
Do phụ nữ khi có thai, phần lớn xuất hiện âm hỏa hư, có triệu chứng nóng trong và thường có các hiện tượng táo bón, lúc này ăn long nhãn chẳng những không có tác dụng bồi bổ, ngược lại còn làm tăng nóng trong, động huyết động thai, ra huyết đau bụng, đau tức bụng dưới, thậm chí tổn thương thai khí, dẫn tới sảy thai.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp mà bác sĩ Đông y chỉ định phụ nữ mang thai sắp sinh hoặc sau khi sinh uống thêm nước long nhãn, đây là người có thể chất yếu, uống chút long nhãn để lấy lại sức đề kháng, giúp đỡ chóng mặt hoa mắt, vã mồ hôi.
Lương y Phó Hữu Đức, chủ tịch Hội Đông y quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, trong long nhãn có sacaroza, glucoza, protein, acid tatric, chất béo, sinh tố A, B. Các men amylaza, peroxitdaza... Long nhãn được y học cổ truyền sử dụng dưới nhiều dạng như thuốc sắc, thuốc cao, thuốc hoàn, rượu thuốc... riêng rượu thuốc có thể ngâm phối hợp với các vị thuốc khác để bồi bổ cơ thể, chống mất ngủ, suy nhược thần kinh. Tuy nhiên, người ở thể hỏa vượng, cao huyết áp, tiểu đường không nên dùng.
Hằng ((Theo Thông tin y học) Thông tin y học)