Ngày đăng: 26/03/2016  
Muỗi, được cho rằng đã gián tiếp giết hơn một nửa tất cả số người đã từng sống từ trước tới nay. Tức là nhiều hơn chiến tranh, dịch bệnh, nạn đói, và bệnh không lây nhiễm. Mỗi năm, sốt rét lấy đi tới hai triệu sinh mạng, và các chuyên gia lo sợ rằng số người chết sẽ tăng gấp đôi trong hai thập kỷ tới. Một bệnh lây từ muỗi khác, như sốt xuất huyết, chikungunya, và sốt vàng da cũng đang phát triển mạnh, đặt 3,2 tỉ người vào tình trạng nguy hiểm. Và giờ, mọi người đang nói về Zika, một căn bệnh dẫn đến dị tật bẩm sinh. Thay đổi khí hậu, di chuyển trên toàn cầu, và các trung tâm đô thị phát triển nhanh chóng đang khiến cho tình thế ngày càng trầm trọng hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo một nguy cơ rất thực tế với khẩu hiệu mạnh mẽ: "Một vết cắn nhỏ, một mối nguy lớn". Do vậy làm sao có thể hạn chế muỗi, để hạn chế mối nguy cơ do muỗi đốt?
I) :
Trên toàn cầu, loài vật nguy hiểm nhất mang theo mầm bệnh và gây bệnh truyền nhiễm là muỗi. Sau đây là 11 lý do giải thích vì sao muỗi lại nguy hiểm nhất.
1. Muỗi khiến 40% dân số thế giới có nguy cơ bị sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết khiến người bệnh rất đau, cảm giác như xương bị gãy. Đó là căn bệnh do muỗi gây ra, có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới, với 40% dân số thế giới đang đối mặt với nguy cơ. Mỗi năm, có từ 50 đến 100 triệu người bị sốt xuất huyết. Mặc dù thường không gây tử vong, sốt xuất huyết vẫn là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em ở một số nước Mỹ Latinh và châu Á.
Bệnh cũng có thể phát triển thành xuất huyết nặng, tình trạng xuất huyết đó nguy hiểm hơn rất nhiều, gây chảy máu, suy tạng và nôn mửa liên tục.
Không có thuốc hay vaccine ngừa bệnh sốt xuất huyết. Phương pháp điều trị thường chỉ giải quyết điều trị triệu chứng, xử trí các biến chứng do bệnh sốt xuất huyết gây ra..
2. Muỗi lây lan bệnh sốt vàng da
Mỗi năm có khoảng 200.000 người lây nhiễm bệnh sốt vàng da - và 30.000 người tử vong. Đó là một dạng bệnh sốt xuất huyết không có biện pháp điều trị. Sau một thời gian bệnh nặng, hầu hết bệnh nhân hồi phục, nhưng khoảng 15% bị biến chứng nguy hiểm, bắt đầu bị chảy máu trong và rối loạn các cơ quan nội tạng. Khoảng một nửa số bệnh nhân bị biến chứng dẫn đến tử vong.
Các ca bệnh sốt vàng da đã tăng từ những năm 1980 do khả năng miễn dịch của con người suy giảm, do nạn phá rừng, biến đổi khí hậu, du lịch hàng không gia tăng, và tỷ lệ lây nhiễm cao hơn ở các thành phố do một giống muỗi gọi là muỗi Aedes aegypti.
Tuy nhiên, có vaccine phòng bệnh hữu hiệu cho bệnh này – với một liều duy nhất sẽ cung cấp miễn dịch suốt đời. Nhiều quốc gia không cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu chưa tiêm phòng.
3. Muỗi gây ra bệnh sốt chikungunya
Sốt chikungunya là bệnh do virus chikungunya lây nhiễm qua trung gian của muỗi truyền bệnh. Bệnh tồn tại trên thế giới từ nhiều thế kỷ rồi, nhưng chỉ mới xuất hiện ở châu Mỹ lần đầu tiên vào cuối năm 2013.
Tên của bệnh xuất phát từ một từ trong ngôn ngữ Tanzania, có nghĩa là "méo mó", ý nói căn bệnh gây ra các cơn đau khớp nặng, kéo dài trong nhiều tuần, và trong một số trường hợp có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm.
Con người có rất ít khả năng miễn dịch tự nhiên đối với bệnh chikungunya, vì thế muỗi có thể lây lan virus chikungunya rất nhanh chóng trên toàn thế giới. Năm 2005, một đợt bùng phát bệnh chikungunya tại đảo La Reunión (Pháp) đã gây bệnh cho 200.000 trong số 750.000 cư dân tại đây, mặc dù loài muỗi trên đảo là Muỗi Hổ châu Á (Asian Tiger Mosquitoes) không có khả năng lây lan virus chikungunya. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận ra loài muỗi này đã biến đổi và có khả năng lây bệnh.
4. Muỗi biến trường hợp cá biệt thành dịch bệnh
Bất kỳ người nào nhiễm bệnh lây truyền qua muỗi đều có thể mang nó đến một quốc gia khác, và gây ra dịch bệnh nếu họ bị một con muỗi khác cắn – điều này xảy ra rất thường xuyên.
Năm 2007, một người đàn ông Italia trở về nhà từ Ấn Độ, vô tình bị một con muỗi mang virus chikungunya cắn. Khi trở về nhà, ông tới thăm một người anh em họ - và trong vòng 3 tháng, hơn 200 người đã bị nhiễm bệnh.
5. Muỗi khiến con người cũng mắc các căn bệnh gia cầm
Mặc dù loài virus West Nile chỉ có trên các loài chim, song con người cũng có thể mắc virus này - thường là từ con muỗi đã cắn vào con chim. Hầu hết mọi người không có triệu chứng gì, nhưng có 20% người bị sốt - kèm theo nhức đầu, đau nhức cơ thể, đau khớp, nôn, tiêu chảy, hoặc phát ban.
Trong 150 ca nhiễm bệnh, có khoảng 1 ca tiến triển nặng thêm thành viêm não West Nile hoặc viêm màng não West Nile, cả hai đều có khả năng gây tử vong.
Ngựa cũng có thể bị bệnh do virus West Nile gây ra. nhưng dù là ngựa hay người đều có thể lan thành dịch bệnh. Và trong khi có vaccine chủng ngừa bệnh này cho ngựa, lại không hề có vaccine cho con người.
6. Muỗi không công bằng chút nào, một số người hay bị muỗi đốt hơn những người khác?
Một số người thực sự là nam châm hút muỗi. Muỗi bị hấp dẫn bởi mùi phát ra từ các vi khuẩn sống trên da con người, và một số người toả ra mùi khiến họ đặc biệt hấp dẫn các loài muỗi hút máu. Trái với những gì nhiều người nói, ăn tỏi hay sử dụng thuốc chống muỗi tự nhiên đều không hiệu quả.
7. Muỗi lây lan cơn sốt Rift Valley, có thể gây mù mắt
Bệnh sốt Rift Valley chủ yếu ảnh hưởng đến động vật, nhưng muỗi có thể lây nhiễm bệnh này cho con người, và nó có những triệu chứng rất khủng khiếp.
Một số người không xuất hiện các triệu chứng. Nhưng những ai có triệu chứng, ban đầu họ sẽ cảm giác như bị cúm, sau đó một số bị cứng cổ và khó chịu với ánh sáng. Một số lượng nhỏ (chưa đến 2%) có thể mắc các tổn thương ở mắt khiến họ bị mù, trong khi những người khác (cũng ít hơn 2%) bệnh có thể phát triển thành một dạng bệnh não, có khả năng tử vong hoặc sốt xuất huyết.
Do bệnh sốt Rift Valley chủ yếu ảnh hưởng đến động vật, nên nó có thể khiến ngành nông nghiệp và nền kinh tế lao đao.
8. Muỗi có thể khiến người bệnh tàn tật vĩnh viễn
Bệnh giun chỉ bạch huyết, một chứng bệnh nhiệt đới hầu như đã bị lãng quên, là một nguyên nhân hàng đầu của các thương tật vĩnh viễn cho người dân trên toàn thế giới.
Hiện nay, có hơn 120 triệu người bị nhiễm bệnh này, và khoảng một phần ba trong số này đang bị biến dạng, mất năng lực vì bệnh.
Muỗi lây lan ký sinh trùng giữa con người, sau đó thâm nhập vào hệ thống bạch huyết và sinh sôi nảy nở trong khoảng thời gian 6-8 năm. Chúng có thể làm hỏng hệ thống miễn dịch và thận, sau này có thể gây sưng đau ở cánh tay, chân, và bộ phận sinh dục.
9. Muỗi truyền các bệnh tử vong cho trẻ em
Mặc dù không lây lan giữa người với người, song bệnh viêm não Nhật Bản lại có thể lây từ động vật sang người do muỗi. Bệnh này giết chết khoảng 10.000 người mỗi năm, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Mặc dù không có phương pháp điều trị song viêm não Nhật Bn đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả.
10. Muỗi lây lan bệnh sốt rét khiến hàng trăm ngàn người tử vong mỗi năm
Từ năm 2000 đến 2012, tỷ lệ tử vong do bệnh sốt rét đã giảm đáng kể - 42% trên toàn cầu. Mặc dù vậy, ước tính riêng trong năm 2012 đã có khoảng 627.000 người chết vì bệnh sốt rét và khoảng 207 triệu người mắc bệnh.
11. Muỗi lây lan bệnh bùng phát virus Zika ở khu vực Trung và Nam Mỹ, hiện nay đã hiện diện ở nhiều nước tại Châu Á.
Hiện nay, muỗi còn là nguyên nhân gây ra sự bùng phát virus Zika ở khu vực Trung và Nam Mỹ. Dịch đã lan sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu, châu Á và có nguy cơ bùng phát trên toàn cầu. Hiện đã có một số ca mắc tại Lào, Trung Quốc ... tiếp giáp với Việt Nam
Như các nhà khoa học công bố, virus Zika được lây truyền qua loài muỗi Aedes aegypti, Culex sống phổ biến ở các vùng nhiệt đới, là trung gian truyền bệnh sốt vàng da, Viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết.
II) MUỖI GÂY RA 03 CĂN BỆNH NGUY HIỂM TẠI VIỆT NAM:
Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa là môi trường lý tưởng cho loài muỗi sinh sôi, phát triển và truyền các bệnh nguy hiểm.
1. Sốt xuất huyết
Theo Wonderlist, sốt xuất huyết là một trong những bệnh nguy hiểm nhất do muỗi gây ra. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới như Việt Nam. Triệu chứng ban đầu là sốt cao, nhức đầu, đau khớp và phát ban. Các bác sĩ khuyên bạn nên dùng acetaminophen để điều trị, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thuốc hay phương pháp điều trị có sẵn cho căn bệnh này.
2. Sốt rét
Sốt rét là do muỗi cái Anopheles truyền ký sinh trùng Plasmodium vào máu con người qua vết cắn. Plasmodium sau đó di chuyển đến gan và phá hỏng hoạt động của bộ phận này. Các ký sinh trùng sốt rét tiếp tục sinh sản trong cơ thể cho đến khi con người bắt đầu xuất hiện triệu chứng như sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, đau đầu và cảm cúm. Các loại thuốc chữa bệnh sốt rét phổ biến và hiệu quả nhất là Quinin.
3. Viêm não Nhật Bản
Đây là căn bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm đến não do vết cắn của muỗi. Bệnh phổ biến ở châu Á, New Guinea và phía bắc Queensland. Một số triệu chứng nghiêm trọng là nhiệt độ cơ thể cao, co giật, hôn mê và nhức đầu dữ dội. Bệnh thường được chữa trị bằng cách tiêm vắc-xin.
III) CÁC BIỆN PHÁP XUA ĐUỔI MUỖI:
1/ Dùng hóa chất:
Hóa chất xua côn trùng phòng chống muỗi đốt hiệu quả
Sử dụng hóa chất xua côn trùng là một trong những phương pháp phổ biến và hiệu quả để phòng chống muỗi và các loại côn trùng chích hút máu khi đốt người. Hóa chất này thường được xoa trực tiếp lên trên da hoặc quần áo, các đồ dùng như màn ngủ, lưới chống muỗi... Nếu có điều kiện, nên áp dụng biện pháp này để tự bảo vệ chống muỗi đốt gây phiền hà và có thể mắc một số bệnh do muỗi truyền.
Đặc điểm của hóa chất xua côn trùng
Thực tế ghi nhận các loại hóa chất xua côn trùng có khả năng bay hơi nhanh hơn các loại hóa chất diệt côn trùng. Hóa chất diệt côn trùng có tác dụng lâu với thời gian kéo dài bằng cách giết chết hoặc hạ gục muỗi và các loại côn trùng sau khi tiếp xúc hóa chất, trong khi đó đa số các loại hóa chất xua côn trùng có tác dụng bằng cách phòng ngừa sự tiếp xúc giữa người và muỗi hay những loại côn trùng mà không hạ gục hoặc giết chết. Thời gian bảo vệ của các loại hóa chất xua côn trùng được xoa trên da có tác dụng trong khoảng từ 15 phút đến 10 giờ; nếu xoa trên quần áo, vải vóc thì tác dụng có thể kéo dài lâu hơn. Hiệu quả tác dụng và thời gian bảo vệ tùy thuộc vào loại hóa chất xua côn trùng với hoạt chất và cách pha chế dưới các dạng khác nhau; đồng thời còn phụ thuộc vào cách sử dụng, điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, độ gió tại chỗ. Ngoài ra các vấn đề khác cũng có thể ảnh hưởng như sự thu hút của từng cá nhân đối với muỗi và côn trùng, tình trạng đổ mồ hôi và sự cọ xát, sự nhạy cảm của muỗi và côn trùng đối với hóa chất sử dụng vì mỗi loài muỗi hay côn trùng có một mức độ nhạy cảm riêng. Mật độ hoạt động của muỗi và các loại côn trùng còn có vai trò quan trọng cần được chú ý, nếu muỗi và các loài côn trùng có mặt càng nhiều thì con người càng dễ bị chích đốt máu. Trong một số trường hợp và điều kiện, người xoa hóa chất xua côn trùng có thể được bảo vệ hoàn toàn, trong khi đó ở một số tình huống khác thì sự bảo vệ lại bị hạn chế. Người thực hiện nhiệm vụ công tác, làm việc hoặc đi vào những khu rừng ẩm nhiệt đới; cần phải xoa hóa chất xua côn trùng lên da nhiều lần trong ngày vì tác dụng của hóa chất xua có thể bị mất đi nhanh chóng do tình trạng toát mồ hôi. Do thời gian tác dụng ngắn, hóa chất xua côn trùng phần lớn nên được sử dụng khi muỗi hay các loại côn trùng bắt đầu có hoạt động đốt máu tùy theo tập tính của từng loài như vào ban ngày, lúc hoàng hôn...
Cách sử dụng hóa chất xua côn trùng
Hóa chất xua côn trùng rất có giá trị đối với con người để bảo vệ phòng chống muỗi và các loại côn trùng chích đốt máu ở trong những tình huống mà các biện pháp bảo vệ khác không có tác dụng, không thực hiện được hoặc bị cấm như: người phải ra khỏi nhà vào ban đêm, công nhân ở các đồn điền có nguy cơ bị muỗi và côn trùng chích đốt máu ban ngày; những người đi ngang qua hoặc đến gần các vùng đài nguyên, đầm lầy, đồng cỏ hoặc rừng rậm đầy muỗi và các loại côn trùng chích đốt máu. Đồng thời có thể dùng hóa chất xua côn trùng ở trong nhà nếu không thiết lập được hệ thống lưới hoặc dùng lưới cửa làm mất sự thoáng khí ở trong nhà ở những vùng có khí hậu nóng nực. Thực tế khách du lịch thường ưa thích sử dụng loại hóa chất xua côn trùng do dễ mang theo, có thể sử dụng bất kỳ ở đâu và bất cứ lúc nào. Hóa chất xua côn trùng có khả năng đóng vai trò quan trọng nếu phối hợp với các phương pháp phòng chống muỗi và các loại côn trùng như dùng hóa chất xua côn trùng vào buổi chiều hoàng hôn trước khi vào màn ngủ để phòng chống muỗi và các loại côn trùng chích đốt máu về ban đêm. Các loại hóa chất xua côn trùng thường được bán rộng rãi trên thị trường nhưng giá bán lẻ còn quá cao, nhất là đối với những người phải sử dụng hàng ngày. Hiệu quả tác dụng tùy thuộc vào thành phần hoạt chất của từng loại hóa chất có trong sản phẩm. Hóa chất xua côn trùng phải được xoa khắp chỗ da hở, đặc biệt là ở cổ, cổ tay, mắt cá... Không được xoa lên vùng quanh mắt hoặc niêm mạc mũi miệng, không được phun vào mặt; trái lại có thể phun vào tay và sau đó xoa vào các phần kém nhạy cảm hơn ở mặt. Nếu phát hiện thấy có phản ứng dị ứng ở những nơi xoa hóa chất, cần rửa bằng vòi nước sạch và hỏi ý kiến của bác sĩ; đồng thời có thể xử trí theo hướng dẫn ở vỏ bình hóa chất hoặc vỏ bao bì đóng gói hóa chất. Thực tế có thể kiểm tra các phản ứng có hại của hóa chất xua côn trùng bằng cách áp một lượng nhỏ trên mu bàn tay và theo dõi.
Loại hóa chất xua côn trùng phổ biến
Trong nửa đầu thế kỷ 20, nhiều loại hóa chất xua côn trùng tổng hợp đã được sản xuất có tác dụng lâu, không độc hại, có thể chấp nhận được như mỹ phẩm và có hiệu quả đối với nhiều loại côn trùng. Các hóa chất dùng xoa ngoài da thành công nhất được phát triển vào nửa đầu thế kỷ 20 là dimethylphtalat (DMP), indalol và ethyl hexanedriol; các hóa chất này hiện nay còn được sử dụng để làm hoạt chất của một số hóa chất xua côn trùng được bán trên thị trường. Sau đó, một đột phá vào năm 1954 là sự phát minh ra chất N,N-diethyl-3-toluamide (DEET); đây là một chất không màu, sánh như dầu và không có mùi. Hiện tại chúng vẫn còn được sử dụng để sản xuất ra hóa chất xua côn trùng được xem là sản phẩm tốt nhất vì có thể xua được muỗi, các loại côn trùng, kể cả loài ve, dĩn... Hóa chất này có tác dụng lâu hơn các loại hóa chất xua côn trùng khác và cũng có hiệu lực tốt đối với các loài vắt hút máu.
Hóa chất DEET nguyên chất có dạng lỏng và dạng dung dịch từ 5 đến 90% để tiện dụng trong pha chế. Nhằm làm cho loại hóa chất thuận tiện khi sử dụng và dễ chịu, hấp dẫn khi xoa; các nhà sản xuất thường pha chế thành những dạng nước xoa, kem, bọt, sáp hay nến đặc và đóng vào bình nhỏ có nén áp suất. Hóa chất xua côn trùng được pha với một chất nền là dầu hoặc cồn và một chất có mùi thơm dễ chịu; hỗn hợp sử dụng để phun, xoa lên những vùng da hở nhằm xua đuổi muỗi và các loại côn trùng. Ở một số hỗn hợp hóa chất được sản xuất có chất nền gồm dầu, silicon, polyme với khả năng làm giảm tỷ lệ bốc hơi của chất xua; do đó chúng có tác dụng kéo dài. Trong một vài công thức có chứa chất DEET, tác dụng xua muỗi và các loại côn trùng có thể lên đến 12 giờ nhưng thông thường là từ 4 đến 6 giờ. Nhược điểm của một số công thức hỗn hợp nhằm kéo dài tác dụng của hóa chất là làm cho người sử dụng có cảm giác dính khi bôi lên da; tuy vậy nếu dung dịch DEET được pha với ethanol thì sẽ không thấy cảm giác này. Trường hợp dị ứng hoặc bị các phản ứng nghiêm trọng khác của DEET như nổi ban đỏ ít thấy; vì vậy hợp chất có chứa hóa chất này được xem như an toàn đối với người lớn trừ trường hợp dùng lâu dài và với nồng độ cao. Do trẻ em là đối tượng dễ nhạy cảm với hóa chất, các nhà khoa học khuyến cáo cho trẻ mặc áo quần kín và xoa hỗn hợp hóa chất lên quần áo thay vì xoa trực tiếp trên da. Lưu ý một số loại dụng cụ như bút viết, mặt đồng hồ đeo tay, gọng kính, nệm xe ô tô và các mặt diện tích quét sơn... có thể bị hỗn hợp hóa chất là hư hại.
Ngoài hóa chất DEET thường sử dụng, tại Ấn Độ các nhà khoa học còn sử dụng loại hóa chất N,N - diethyl phenyl acetamid (DEPA) có hiệu quả như DEET nhưng lại rẻ tiền hơn. Loại tinh dầu sả cũng được sử dụng vì không đắc tiền, một số người dân cho rằng tinh dầu sả có mùi dễ chịu hơn các loại hóa chất khác. Một số hóa chất không phổ biến dùng hiện nay như DMP và các hợp chất carboxy nhưng chúng cũng thường được sử dụng để pha chế với DEET trong một số sản phẩm bán trên thị trường. Thực tế nếu pha trộn các loại hóa chất khác nhau có thể có tác dụng xua đối với nhiều loại muỗi và các loại côn trùng hơn hẳn là dùng một loại hóa chất đơn lẻ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Như trên đã nêu, việc sử dụng hóa chất xua là một trong những phương pháp khá phổ biến và có hiệu quả để phòng chống muỗi cũng như các loại côn trùng chích đốt máu gây phiền hà trong sinh hoạt, đồng thời có khả năng lây nhiễm một số bệnh do muỗi truyền. Đây là một biện pháp bảo vệ cá nhân đơn giản, dễ thực hiện; hóa chất có thể mang theo khi du lịch, đi dã ngoại hay lao động, làm việc ở những vùng có nguy cơ bị muỗi và các loại côn trùng đốt máu; đồng thời có thể sử dụng bất cứ ở đâu và bất kỳ lúc nào mà giá thành sản phẩm lại không quá cao. Cộng đồng người dân cần quan tâm đến việc ứng dụng phương pháp này khi cần thiết.
2/ Cách đuổi muỗi không dùng hóa chất (Dùng thảo dược):
Khi muốntiêu diệt muỗi, chúng ta thường hay dùng vợt muỗi, đèn bắt muỗi, chai xịt côn trùnghay đốt nhang muỗi? Trong những cách đó, hầu hết đều không tỏ ra hiệu quả lâudài hoặc có thể còn ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của gia đình. Thay vào đó,hãy áp dụng những cách đuổi muỗi thân thiện với môi trường dưới đây:
Cây ngũ sắc
Đây là loại cây quen thuộc, mọc hoang rất nhiều ven đường, bãi đất trống (có nơi còn gọi là cây trư ni thảo, cây cỏ hôi). Ngũ sắc được coi là loại cây đuổi muỗi khá hữu hiệu, hay được dùng ở vùng nông thôn.
Cây hoa ngũ sắc có chứa nhóm hợp chất tự nhiên coumarin có tác dụng đuổi muỗi rất hiệu quả nên được sử dụng làm thành phần chính trong rất nhiều loại thuốc chống muỗi.
Tuy nhiên, khi bị muỗi chích, không nên chà xát hoa ngũ sắc trực tiếp lên da vì nó có thể gây kích ứng da.
Húng lủi (bạc hà)
Ngoài tác dụng ngăn ngừa ong, gián, kiến đến gần nhà, chậu cây húng lủi còn là trợ thủ đắc lực của con người trong việc xua đuổi muỗi.
Nên trồng quanh nhà một vài bụi húng lủi để làm nhiệm vụ đuổi muỗi và các loại côn trùng gây khó chịu.
Nếu nhà không trồng cây húng lủi, bạn có thể ra chợ mua một nắm húng lủi, vò nát, đặt trong góc nhà, nóc tủ, bệ cửa sổ… cũng có tác dụng ngăn muỗi trong 1-2 ngày.
Cây phong lữ
Phong lữ (phong lữ thảo) là loài cây cho hoa nhiều màu, đẹp và có mùi thơm quyến rũ.
Tinh dầu hoa phong lữ chứa a-pinene, myrcene, limonene, menthone, linalool, geranyl acetate, citronellol, geraniol và geranyl butyrate, có tác dụng an thần, giảm stress nhưng lại là mùi mà muỗi cực ghét.
Bạn nên trồng trong sân, nhà vài chậu hoa phong lữ để trang trí nhà cửa và tận dụng luôn tác dụng đuổi muỗi cực đỉnh của nó loài hoa này.
Cây chân chim
Cây chân chim (hay còn có những tên gọi khác là ngũ gia bì chân chim, sâm nam, chân vịt).
Theo nghiên cứu của NASA (cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ), cây chân chim (cây ngũ gia bì chân chim) là loại cây có khả năng làm sạch không khí và có khả năng chống muỗi. Khi trồng chậu cây chân chim trong nhà, muỗi sẽ tự bay đi, không dám lảng vảng trong nhà nữa.
Vỏ cam, quýt
Sau khi ăn cam, quýt, chúng ta nên giữ lại vỏ, phơi khô, cất giữ để dùng xua muỗi khi cần đến.Tinh dầu thơm trong vỏ cam, quýt rất hấp dẫn với con người, nhưng lại là thứ mà muỗi phải tránh xa. Để xua muỗi, chỉ cần dùng vài mẩu vỏ cam, quýt đã phơi khô đốt cháy trên lửa.Tuy cách này chỉ tác dụng trong thời gian ngắn, chừng một buổi, nhưng nó cũng giúp không gian nhà bạn có mùi thơm dễ chịu hơn.
Cúc vạn thọ (Hoa Cúc)
Mùi hương của bông và lá cây cúc vạn thọ là mùi mà muỗi rất không ưa. Trồng một vài chậu hoa cúc vạn thọ quanh nhà, ngoài vườn cũng là cách để hạn chế muỗi tấn công con người.
Hoa dạ hương
Nằm đầu bảng các loài hoa đuổi muỗi chính là hoa dạ hương. Một khóm hoa dạ hương ngoài vườn với mùi hương ngào ngạt vào ban đêm sẽ giúp nhà gần như không bao giờ có muỗi bén mảng tới.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý, hoa dạ hương có mùi rất nồng, nếu ngửi lâu với mùi hoa đậm đặc sẽ khiến bạn đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Vì vậy, chỉ cần một bụi hoa nhỏ với 1, 2 cành hoa ngoài vườn là đủ để bảo vệ bạn khỏi muỗi.
Dầu tràm
Tinh dầu chiết xuất từ cây tràm cũng có thể là vệ sĩ giúp bạn đuổi muỗi. Nhỏ vài giọt dầu tràm vào bồn tắm, thoa dầu tràm lên quần áo, da… cũng hạn chế muỗi đến gần bạn.
Khi bị muỗi chích, hãy thoa một chút dầu tràm lên vết chích. Dầu tràm sẽ làm cho vết chích không ngứa, không sưng đỏ, không để lại sẹo thâm.
Cây hương thảo
Một trong những mùi mà muỗi không thích nữa đó chính là mùi tinh dầu của cây hương thảo. Nếu có điều kiện, bạn nên trồng vài chậu cây hương thảo, vừa làm cảnh, vừa làm sạch không khí, vừa có tác dụng xua đuổi muỗi.
Nếu không, bạn có thể dùng tinh dầu hương thảo. Thoa vài giọt dầu hương thảo lên gối, mền, quần áo cũng giúp  cho muỗi không dám tới gần bạn.
Cây sả
Sả là loài cây cho tinh dầu thơm được dùng rất rộng rãi. Để giúp đuổi muỗi, rất nhiều gia đình đã trồng sả quanh nhà. Sả có hương thơm đặc biệt khiến cho muỗi không thể định hướng, không thể tìm được bạn ở đâu để chích.
Nếu không có đất để trồng sả, bạn có thể dùng tinh dầu chiết xuất từ cây sả. Hoặc cầu kỳ hơn, mua cây sả ở ngoài chợ về, sau đó cắm vào ly nước. Vài ngày sau, lá sả sẽ bật lên, bạn cũng sẽ có một bụi sả trong nhà để giúp xua muỗi.
(ít độc, dẽ thực hiện. Han chế là: chỉ áp dụng quy mô nhỏ, không diệt được muỗi, tốn chi phí cho chăm sóc và nuôi trồng ...)
IV) CÁC BIỆN PHÁP DIỆT MUỖI ĐÃ ĐƯỢC THỰC HIỆN:
§ Dùng hóa chất
§ Biến đổi gen
§ Bẫy muỗi
§ Các biện pháp sinh học, vật lý .... thả cá ...
Các phương pháp quản lí sinh sản muỗi có thể có chút hiệu quả, nhưng những sự can thiệp ý nghĩa nhất đều sẽ đến từ di truyền. Công nghệ sinh học không chỉ giúp ta làm suy giảm số lượng của loài muỗi, nó còn cho phép ta tạo ra những loài muỗi tốt hơn – hay ít nhất là những loài muỗi thân thiện hơn với sự sống của nhân loại.
Một cách tiếp cận rất có hứa hẹn là sử dụng chính những con muỗi để thực hiện công việc kiểm soát dịch bệnh. Một số loài muỗi, như Aedes albopictus, rất dễ bị nhiễm một loại vi khuẩn tên là Wolbachia. Vi sinh vật này không chỉ ảnh hưởng tới tuổi thọ của chúng, nó còn làm suy yếu đi khả năng lây lan bệnh dịch. Các nhà khoa học đã cho thấy việc lây nhiễm nhân tạo trên diện rộng của loài Aedes albopictus với vi khuẩn Wolbachia là hoàn toàn có thể, ức chế khả năng lây lan bệnh sốt xuất huyết của chúng – nhưng sẽ không ảnh hưởng tới khả năng truyền Wolbachia sang đồng loại của mình. Hơn nữa, các con đực bị biến đổi sẽ gặp vấn đề trong việc sinh sản.
Một hướng khác là tạo ra một loại muỗi “tự diệt”. Nhà di truyền học Anthony James từ UC Irvine, với sự hỗ trợ của công ty công nghệ sinh học Oxitec, đã tìm ra cách để tạo ra những con muỗi cái không biết bay. Khi những con muỗi biến đổi gen này lớn lên trên mặt nước, muỗi đực bay đi, nhưng muỗi cái, do không thể bay, sẽ bị bỏ lại. Những con chưa bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục hòa mình vào quần thể muỗi, lây truyền những gen đột biến bằng một quá trình với tên gọi “genetic sexing”. 
V) NUÔI DƠI DIỆT MUỖI:
 
Dơi được nuôi ở đây là loài dơi muỗi (Vespertilio), thuộc họ Vespertilionidae, còn gọi là dơi chuột vì nhỏ như chuột lắt, là loài động vật hoang dã sống trong thiên nhiên, trọng lượng mỗi con khoảng vài chục gram. Như tên gọi của nó, loại dơi này chỉ ăn muỗi, bướm, rầy, bồ hong (thiêu thân )..., không phá hại cây trái của nhà nông như các loại dơi khác (dơi quạ, dơi chó, dơi sen...).
1/ Đặc điểm của dơi:
a)    Là động vật hoang dã
b)    Dơi là động vật có vú duy nhất biết bay. (loài có lông mao biết bay)
c)    Thời gian đi ăn trùng với thời gian hoạt động của muỗi.
d)    Thức ăn của dơi (loại dơi thuần dưỡng) không ăn trái cây, chủ yếu là các loài muỗi và các loại côn trùng ... (mối, có thể ăn thêm bù hông, bù mắt, bướm và các con vật nhỏ khác)
e)    Một con dơi có thể ăn 5000 con muỗi mỗi ngày. (bằng ½ trọng lượng cũa con dơi)
f)     Kẻ thù của dơi là: Rắn, kiến, rệp, chim ưng, chim cắt, chim bìm bịp ... tiếng động. Trong thiên nhiên dơi khó tăng dân số vì bị các loại thú ăn thịt xem dơi là món khoái khẩu, hiện nay dân nhậu cũng săn lùng bắt dơi để làm mồi nhậu.
g)    Trong thiên nhiên dơi sống ở các hang, hốc cây .... khi có môi trường thuận lợi (nhà dơi) thì dơi sẽ tập trung trú ngụ tại các nhà dơi (dẫn dụ dơi)
h)    Dơi chỉ thải phân khi đậu nghỉ, đây là đặc điểm để làm nhà dơi lấy phân.
i)      Các loài trong bộ này có nhiều nét chung với thú ăn sâu bọ và có thể coi như một nhánh Thú ăn sâu bọ thích nghi với vận chuyển bay. Chi trước biến đổi thành cánh da. Ngón tay, trừ ngón một rất dài và căng màng da mỏng không lông. Màng da nối chi trước với chi sau và cả chi sau với đuôi.
j)      Dơi phát siêu âm với tần số 50.000 - 70.000 Hz. Nhờ tiếp nhận siêu âm vào tai, dơi có thể ước lượng khoảng xa của chướng ngại vật.
k)    Tuy nhiên, bất cứ con dơi nào cũng không chỉ sử dụng duy nhất năng lực định vị thuần túy, mà còn kết hợp với sự quan sát từ đôi mắt trong khi bay lượn. Với loài dơi thường ăn hoa quả thì hệ thị giác của chúng rất phát triển. Riêng với loài ăn côn trùng lại có cặp mắt nhỏ hơn, thường được dùng để xác định cao độ so với mặt đất, nhận biết mức độ ánh sáng, phân biệt ngày đêm để chọn thời điểm đi săn thích hợp, đánh giá kích thước con mồi hay vật cản, cũng như định hướng lúc đang bay tìm mồi.[2]
l)      Là bộ có số lượng loài nhiều thứ hai trong lớp Thú với khoảng 1.100 loài, chiếm 20% động vật có vú (đứng đầu là bộ Gặm nhấm chiếm 70% số loài). Từ Chiroptera trong tiếng Hy Lạp là ghép bởi 2 từ: cheir (χειρ) "bàn tay" và pteron (πτερον) "cánh". Như tên gọi, cấu tạo hai chi trước của chúng giống như bàn tay con người với các ngón tay được nối liền bởi màng da và tạo thành đôi cánh. (chính xác thì ở dơi cánh được tạo bởi màng da nối liền xương cánh tay và các ngón tay)
m)Dơi cái sinh sản vào khoảng tháng 3 - 4 âm lịch, mỗi lứa 1 - 2 con. Trong thời gian sinh sản, dơi cái vẫn cặp nách con đi ăn nhưng không đi xa, khoảng 1 tuần lễ sau, dơi mẹ thả con ra để tập bay. Theo các nhà khoa học, hàng đêm mỗi con dơi có thể ăn một khối lượng côn trùng bằng khoảng nửa trọng lượng cơ thể của chúng (trung bình 5.000 con muỗi), góp phần diệt hàng tỷ côn trùng có hại cho nhà nông. Góp phần quan trọng trong phòng chống các bệnh: Sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, giun chỉ & mới đây là bệnh zika.
n)    Dơi hoạt động vào ban đêm, và đi ăn vào khoảng chiều khi trời sụp tối. Nếu gặp trời mưa, dơi trú trong nhà và đi ăn trễ hơn. Trước khi bay đi ăn, dơi đầu đàn bay trước một vòng như dọ thám, rồi từng tốp mới bay ra sau. Dơi có thể đi săn mồi xa, nếu khu vực nơi dơi cư ngụ ít mồi, nhưng cứ khoảng 30 phút sau, dơi trở về nhà nghỉ cánh. Có một điều rất thú vị là, dù dơi ăn đầy bụng ở nơi đâu, nhưng tuyệt đối khi trở về nhà mới thải phân. Biết được những đặc tính nêu trên, người ta làm nhà nuôi dơi để lấy phân.
2/ Ưu điểm:
a)    Không phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, không tốn kinh phí mua hoá chất diệt muỗi. Không bị muỗi kháng với hóa chất ... không ô nhiễm môi trường do hóa chất.
b)    Không tốn công phun xịt hóa chất
c)    Diệt muỗi thường xuyên liên tục
d)    Tiêu diệt muỗi diện rộng, nhiều loại muỗi khác nhau đều là thức ăn của dơi bao gồm các loại muỗi như: Anopheles, Culex, , Aedes Aegypti,....
e)    Thân thiện với môi trường
f)     Giá trị kinh tế: Ít kinh phí, đầu tư 1 lần có thể sử dụng được 10 năm.
g)    Gọi là nuôi dơi, nhưng không tốn chi phí thức ăn và con giống ?
h)    Tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí thuốc tiêu diệt công trùng gây hại cây trồng.
i)      Phân dơi có giá trị dinh dưỡng cao, thích hợp bón cho nhiều loại cây trồng.
VI) HIỆU QUẢ VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN.
 
Nuôi dơi không phải đầu tư con giống, không tốn thức ăn, không phải tốn chi phí thú y như nuôi các loại gia súc, gia cầm khác. Phân dơi thích hợp bón cho nhiều loại cây trồng. Ngoài giá trị của phân, Dơi còn diệt các loại côn trùng hại cây trồng, tiêu diệt côn trùng trung gian truyền bệnh nguy hiểm cho con người.
Để phát triển đàn dơi, nhân rộng mô hình nuôi dơi. Các thành viên của nhóm đang tập trung đầu tư phát triển các nội dung sau:
 
1)        Nghiên cứu tập tính của dơi: Môi trường sống, thức ăn, thời điểm đi ăn, khả năng sinh sản.
2)        Khảo sát vị trí thích hợp: Vị trí địa lý, nguồn thức ăn ... Thiết kế hệ thống thu gom phân, sân phơi & nhà kho tránh thất thoát phân bị phân rã trong mùa mưa ... Đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân sinh sống xung quanh nhà dơi.
3)        Tiến tới nhân rộng mô hình nuôi dơi, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, sử dụng phân dơi để bón cho một số loại cây trồng, cây dược liệu không dùng các loại hóa chất độc hại.  
4)        Điều tra, giám sát & thu thập các dữ liệu liên quan đến tập tính, khả năng sinh sản và các vấn đề liên quan đến khả năng lây truyền các bệnh nguy hiểm của muỗi. Khả năng săn bắt muỗi của các loài dơi.
5)        Tuyên truyền và xây dựng chiến lược mở rộng mô hình nuôi dơi đến những địa phương khác, với mục đích “Nuôi dơi tiêu diệt côn trùng trung gian truyền bệnh nguy hiểm cho con người”. góp phần tiêu diệt côn trùng truyền bệnh nguy hiểm như: Sốt xuất huyết, sốt rét ... và căn bệnh vi rút ăn não ZIKA. (gây bệnh đầu nhỏ - tổn thương não bộ) Đang có nguy cơ bùng phát thành dịch.
BS HỒ VĂN HOÀI ((Theo TYYT VĨNH CỬU) TYYT VĨNH CỬU)

Từ khoá:  nuôi dơi diệt muỗi
Những bài liên quan
Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, zika, tay chân miệng

Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, zika, tay chân miệng

Không chủ quan với Sốt xuất huyết

Không chủ quan với Sốt xuất huyết

THÔNG BÁO TẨM MÙNG PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT

Để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và phòng chống bệnh sốt rét, sốt xuất huyết trên địa bàn xã Ph&uac

PHUN THUỐC DIỆT MUỖI VẰN DIỆN RỘNG Ở HUYỆN VĨNH CỬU

PHUN THUỐC DIỆT MUỖI VẰN DIỆN RỘNG Ở HUYỆN VĨNH CỬU

KHUYẾN CÁO CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH MÙA NẮNG NÓNG

KHUYẾN CÁO CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH MÙA NẮNG NÓNG


Ghi chú: Quý bệnh nhân có thể nhấn vào link trên để đặt lịch hẹn khám bệnh ưu tiên từ 7h đến 11h vào những ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.



Giờ làm việc
Thứ 2 đến thứ 6:
   - Sáng: 07h00 – 11h30
   - Chiều: 13h00 – 16h30
Thứ 7, CN & ngày lễ trực cấp cứu 24/24.



Mã số:
Xem bệnh sử và tình hình sức khoẻ cá nhân.


Thông tin liên hệ

Trung tâm Y tế Huyện Vĩnh Cửu

Số 224 Đường Phan Chu Trinh, TT Vĩnh An, Vĩnh Cửu, Đồng Nai

Bản quyền thuộc về YteVinhCuu © 2011-2024

Phát triển bởi: HoSyAnh & KhaLa