Ngày đăng: 16/06/2013  
 
QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ
 về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020
__________
 
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu chung:
Hiện đại hóa và phát triển mạnh y, dược cổ truyền trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; củng cố và phát triển tổ chức, mạng lưới y, dược cổ truyền.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý y, dược cổ truyền ở Trung ương và địa phương.
b) Cơ sở khám chữa bệnh: đến năm 2015, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và kiện toàn bệnh viện y dược cổ truyền theo hướng bệnh viện đa khoa; đến năm 2020, 100% viện có giường bệnh, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có Khoa y, dược cổ truyền; 100% Phòng khám đa khoa và trạm y tế xã, phường, thị trấn có Tổ y, dược cổ truyền do thầy thuốc y, dược cổ truyền của trạm y tế phụ trách.
c) Khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền:
- Đến năm 2015: tuyến trung ương đạt 10%; tuyến tỉnh đạt 15%; tuyến huyện đạt 20% và tuyến xã đạt 30%;
- Đến năm 2020: tuyến trung ương đạt 15%; tuyến tỉnh đạt 20%; tuyến huyện đạt 25% và tuyến xã đạt 40%.
d) Hiện đại hóa y, dược cổ truyền và kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại:
Đến năm 2015, 100% bệnh viện y dược cổ truyền được đầu tư các thiết bị y tế hiện đại trong chẩn đoán, điều trị theo tiêu chuẩn các hạng bệnh viện của Bộ Y tế.
đ) Đáp ứng nhu cầu thiết yếu về dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đảm bảo chất lượng cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền.
e) Đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhân lực y, dược cổ truyền ở trình độ trung học vào năm 2015 và trình độ đại học vào năm 2020.
g) Chuẩn hóa trình độ chuyên môn đội ngũ lương y, lương dược, tăng cường vai trò của Hội Đông y Việt Nam trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam.
3. Nội dung nhiệm vụ chủ yếu:
a) Về tổ chức, quản lý:
Nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập cơ quan quản lý nhà nước về y dược cổ truyền trên cơ sở Vụ Y dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế và tổ chức quản lý nhà nước về y dược cổ truyền thuộc Sở Y tế, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Về phát triển hệ thống khám chữa bệnh:
- Xây dựng Đề án xây mới, nâng cấp và đầu tư thiết bị y tế cho các bệnh viện y dược cổ truyền theo hướng đa khoa y dược cổ truyền;
- Xây dựng Đề án phát triển Bệnh viện Y dược cổ truyền Trung ương và Bệnh viện Châm cứu Trung ương;
- Củng cố và phát triển Khoa Y dược cổ truyền tại các bệnh viện, Tổ y dược cổ truyền tại Phòng khám đa khoa và trạm y tế;
- Xây dựng chính sách khuyến khích thành lập và phát triển các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh y dược cổ truyền ngoài công lập.
c) Về phát triển nguồn nhân lực:
- Xây dựng Đề án nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực y, dược cổ truyền đối với y sĩ, điều dưỡng, bác sỹ, dược sỹ, bác sỹ nội trú, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành Y dược cổ truyền và các cấp đào tạo cho đội ngũ lương y, lương dược theo hướng phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên, đầu tư mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, cơ sở thực hành, cho các cơ sở đào tạo cán bộ y dược cổ truyền;
- Tổ chức đào tạo theo nhiều loại hình: chính quy, đào tạo liên tục, đào tạo liên thông, liên kết đào tạo, đào tạo theo cử tuyển đối với các vùng đặc biệt khó khăn nhằm đáp ứng đủ số lượng và chất lượng cán bộ cho y dược cổ truyền;
- Thành lập, phát triển Khoa hoặc Bộ môn Y dược cổ truyền và Dược học cổ truyền tại các trường đại học, cao đẳng, trung học y, dược thuộc Trung ương và địa phương;
- Xây dựng và ban hành chương trình đào tạo, mã ngành đào tạo đối với đội ngũ lương y, lương dược;
- Kiện toàn, đẩy mạnh đầu tư và phát triển Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam.
d) Về cơ chế, chính sách:
- Xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở đào tạo y dược cổ truyền; phát triển nuôi trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp, sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên một cách hợp lý, bảo đảm lưu giữ, tái sinh và phát triển nguồn dược liệu;
- Bố trí y dược cổ truyền chủ trì hoặc cùng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế;
- Tăng cường phân cấp quản lý và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc thành lập các cơ sở đông y, đông dược;
- Xây dựng, ban hành các chế độ khuyến khích các thầy thuốc cống hiến và phát huy những bài thuốc hay, cây thuốc quý, những kinh nghiệm phòng và chữa bệnh bằng y dược cổ truyền có hiệu quả; bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu và nghiên cứu kế thừa, ứng dụng và kết hợp y, dược cổ truyền với y, dược hiện đại;
- Xây dựng, ban hành chính sách đẩy mạnh công tác xã hội hóa y dược cổ truyền. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực y, dược cổ truyền; mở rộng liên kết, hợp tác giữa các cơ sở y, dược cổ truyền nhà nước với các cơ sở y, dược cổ truyền tư nhân, giữa cơ sở trong nước với nước ngoài. Các cơ sở y tế nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở y, dược cổ truyền tư nhân;
- Mở rộng hợp tác quốc tế và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển y dược cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài.
đ) Bảo đảm, nâng cao chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu:
- Xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi xây dựng các cơ sở sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất thuốc tốt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP-WHO), theo lộ trình phù hợp với điều kiện của Việt Nam; khuyến khích phát triển thị trường kinh doanh dược liệu và thuốc đông y, thuốc từ dược liệu để đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh  bằng y dược cổ truyền;
- Xây dựng Đề án tổ chức các vùng nuôi, trồng dược liệu theo tiêu chuẩn về thực hành tốt nuôi trồng, thu hoạch dược liệu theo quy mô công nghiệp, gắn liền với đẩy mạnh công tác quy hoạch, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho các cơ sở chế biến dược liệu, sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước và xuất khẩu, ưu tiên các loại cây, con có hiệu quả chữa bệnh tốt, giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn;
- Củng cố và phát triển các trung tâm nghiên cứu, nuôi trồng dược liệu tại các vùng sinh thái phù hợp có tiềm năng phát triển dược liệu;
- Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng thuốc nam, thuốc dân gian, thuốc gia truyền để đưa vào sản xuất với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu;
- Phát triển công tác cung cấp giống dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu, xây dựng dấu vân tay hóa học và gen cho dược liệu Việt Nam; chú trọng tái sinh, phát triển nhân giống các dược liệu quý, hiếm;
- Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, điều tra, sưu tầm, thống kê các loại cây, con làm thuốc; sự phân bố, hệ sinh thái và trữ lượng cây, con làm thuốc hiện có trên cơ sở đó có kế hoạch tổ chức bảo vệ, khai thác, tái sinh hợp lý và phát triển bền vững;
- Xây dựng và phát triển vườn cây thuốc tại các bệnh viện y dược cổ truyền, khoa y dược cổ truyền tại các bệnh viện, các cơ sở đào tạo y dược cổ truyền và trạm y tế xã, phường, thị trấn;
- Xây dựng đề án phát triển dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với quy định hiện hành;
- Tăng cường kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu.
e) Tăng cường vai trò của Hội Đông y Việt Nam:
- Xây dựng Đề án về tăng cường vai trò của Hội Đông y Việt Nam trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển Y, dược cổ truyền Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật;
- Hỗ trợ ngân sách, cơ sở vật chất, biên chế cho Hội Đông y các cấp hoạt động theo quy định hiện hành;
- Khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo theo các bậc học phù hợp đối với đội ngũ lương y, lương dược và cơ sở khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
g) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác y, dược cổ truyền.
4. Bảo đảm tài chính:
a) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay, nguồn tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế căn cứ vào kế hoạch này, bố trí nguồn vốn để thực hiện.
5. Tổ chức thực hiện:
a) Bộ Y tế:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò của y, dược cổ truyền trong phòng và chữa bệnh;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về y, dược cổ truyền; nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phát triển y, dược cổ truyền;
- Chủ trì nghiên cứu, bố trí y, dược cổ truyền thực hiện, tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, theo kế hoạch của Bộ Y tế;
- Năm 2010 đến năm 2011, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, phê duyệt hoặc trình phê duyệt các đề án xây mới, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị y tế cho các bệnh viện y dược cổ truyền; các đề án về sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, phát triển dược liệu;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các Đề án thành lập cơ quan quản lý nhà nước về y dược cổ truyền trên cơ sở Vụ Y dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế và tổ chức quản lý nhà nước về y dược cổ truyền thuộc Sở Y tế; quy định mã ngạch viên chức và thang bảng lương đối với đội ngũ lương y, lương dược; đẩy mạnh xã hội hóa ngành y, dược cổ truyền;
- Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng đề án hiện đại hóa y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại; giữ gìn, phát huy bản sắc, tính đặc thù của y, dược cổ truyền Việt Nam;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y dược cổ truyền; Xây dựng Đề án nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực y, dược cổ truyền;
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu và đề xuất ban hành các cơ chế ưu đãi trong việc nuôi trồng dược liệu và quy hoạch vùng chuyên nuôi trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu;
- Phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập khẩu dược liệu và thuốc đông y và thuốc từ dược liệu; đồng thời xây dựng cơ chế tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu của Việt Nam;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám, chữa bệnh, nuôi trồng, chế biến dược liệu, trao đổi chuyên gia về y, dược cổ truyền; ban hành chính sách ưu đãi để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền và sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, đào tạo cán bộ y, dược cổ truyền.
b) Bộ Tài chính:
Chủ trì, bố trí ngân sách chi thường xuyên, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí chi đầu tư phát triển để thực hiện đề án, dự án, nhiệm vụ y, dược cổ truyền của Kế hoạch này; kiểm tra chi tiêu theo chế độ tài chính hiện hành.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Bố trí kế hoạch vốn hàng năm cho các đề án, dự án thực hiện Kế hoạch này.
d) Bộ Khoa học và Công nghệ:
Có chính sách ưu tiên triển khai những đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực y, dược cổ truyền, kết hợp y, dược cổ truyền với y, dược hiện đại.
đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Đông y Việt Nam xây dựng, ban hành chương trình đào tạo và mở mã ngành đào tạo để chuẩn hóa đào tạo chuyên môn đối với đội ngũ lương y, lương dược;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng y, dược theo Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020.
e) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của y, dược cổ truyền;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu quảng bá và phát triển hình thức du lịch kết hợp chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền tại Việt Nam.
g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan quán triệt, triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả những nội dung và nhiệm vụ của Kế hoạch này;
- Căn cứ vào đặc điểm tình hình của địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch của tỉnh, thành phố và bố trí ngân sách để triển khai kịp thời Kế hoạch này;
- Xây dựng cơ chế ưu đãi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương để thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y, dược cổ truyền;
- Tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, cơ sở vật chất, duy trì và bổ sung biên chế để các cấp Hội Đông y hoạt động và phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân;
- Tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và định kỳ hàng năm gửi báo cáo về Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch này;
h) Hội Đông y Việt Nam:
- Tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức Hội, chú trọng nâng cao y đức và chất lượng chuyên môn cho hội viên, vận động hội viên tích cực tham gia công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền, chấp hành đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về y, dược cổ truyền;
- Nghiên cứu đổi mới cơ chế hoạt động, chủ động, sáng tạo phát huy tiềm năng chuyên môn của các hội viên, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Đề án tăng cường vai trò của Hội Đông y trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam;
- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này.
6. Tiến độ thực hiện:
a) Năm 2010 và 2011:
- Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các Đề án: 1) Xây mới, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị y tế cho các bệnh viện y dược cổ truyền. 2) Thành lập cơ quan quản lý nhà nước về y dược cổ truyền trên cơ sở Vụ Y dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế và tổ chức quản lý nhà nước về y dược cổ truyền thuộc Sở Y tế. 3) Mở mã ngành đào tạo đối với đội ngũ lương y và lương dược. 4) Xây dựng ngạch viên chức đối với đội ngũ lương y, lương dược. 5) Xây dựng hệ thống cung ứng và quản lý chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. 6) Nâng cao năng lực đào tạo nhân lực ngành y dược cổ truyền. 7) Tăng cường vai trò của Hội Đông y trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam và các đề án khác thực hiện Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện Kế hoạch này tại địa phương.
b) Giai đoạn 2011 – 2015:
Đạt mục tiêu cụ thể về tổ chức bộ máy quản lý y dược cổ truyền; mạng lưới khám, chữa bệnh, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và tăng cường vai trò Hội Đông y Việt Nam theo các mục tiêu của Kế hoạch.
c) Giai đoạn 2016 – 2020:
Hoàn thành các mục tiêu còn lại của Kế hoạch.
Điều 2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020; hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
 
 

THỦ TƯỚNG

 

(đã ký)

Nguyễn Tấn Dũng

QĐ TTg ((Theo Thông tin chính phủ) Thông tin chính phủ)

Những bài liên quan
QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC BAN HÀNH TÀI LIỆU CHUYÊN NGÀNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC BAN HÀNH TÀI LIỆU CHUYÊN NGÀNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC BAN HÀNH LOGO VÀ SLOGAN CHO TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN VĨNH CỬU

QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC BAN HÀNH LOGO VÀ SLOGAN CHO TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN VĨNH CỬU

QUYẾT ĐỊNH về việc phê duyệt danh sách thí sinh đủ điều kiện tham dự xét tuyền viên chức Đợt 2 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH về việc phê duyệt danh sách thí sinh đủ điều kiện tham dự xét tuyền viên chức Đợt 2 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ BAN GIÁM ĐỐC TTYT VĨNH CỬU

QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ BAN GIÁM ĐỐC TTYT VĨNH CỬU


Ghi chú: Quý bệnh nhân có thể nhấn vào link trên để đặt lịch hẹn khám bệnh ưu tiên từ 7h đến 11h vào những ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.



Giờ làm việc
Thứ 2 đến thứ 6:
   - Sáng: 07h00 – 11h30
   - Chiều: 13h30 – 17h00
Thứ 7, CN & ngày lễ trực cấp cứu.

Giờ khám bệnh
Thứ 2 đến thứ 6:
   - Sáng: 07h00 – 11h30
   - Chiều: 13h30 – 17h00
Thứ 7, CN & ngày lễ trực cấp cứu.



Mã số:
Xem bệnh sử và tình hình sức khoẻ cá nhân.


Thông tin liên hệ

Trung tâm Y tế Huyện Vĩnh Cửu

Số 224 Đường Phan Chu Trinh, TT Vĩnh An, Vĩnh Cửu, Đồng Nai

Bản quyền thuộc về YteVinhCuu © 2011-2024

Phát triển bởi: HoSyAnh & KhaLa