Ngày đăng: 21/06/2013  
ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ VIÊM GAN MẠN BẰNG THẢO DƯỢC

BS.CK1.Nguyễn văn Nghị. BV.YDCT.Đồng Nai.
Y học cổ truyền đã sớm biết ứng dụng những thảo dược để chữa bệnh về gan mật. Trong quyển sách “Nam dược thần hiệu” của danh y Tuệ Tĩnh thế kỷ XIV, đã ghi chép những vị thuốc, những bài thuốc kinh nghiệm dùng để chữa chứng vàng da. Nước ta hiện nay có tỷ lệ người viêm gan mạn đang tăng rất nhanh, so với các nước trên thế giới. Do vậy, những thầy thuốc Y học cổ truyền đang quan tâm nghiên cứu và ứng dụng các dược thảo để hỗ trợ điều trị viêm gan mạn tính và những vị thuốc có tác dụng làm giảm men gan. Bước đầu, cũng đã thu được những kết quả rất khả quan và đáng kích lệ.
Để việc điều trị và phòng bệnh viêm gan được tốt. Trước hết Bạn hãy tìm hiểu về nguyên nhân viêm gan và những nguy cơ gây tăng men gan.
Men gan là một danh từ chung, dùng để chỉ 2 loại men chuyển hóa trong gan, thường được viết tắt là SGOT, SGPT, chúng rất nhạy cảm với những tổn thương tế bào gan. Nguyên nhân tăng men gan thường là do viêm gan, các trường hợp viêm gan do virus đều có men gan tăng cao, khi virus làm tổn thương các tế bào gan, bệnh tiến triển gây ra sự huỷ hoại tế bào gan, gây ra tăng men gan. Nếu bệnh kéo dài sẽ làm suy yếu các chức năng hoạt động của gan và cuối cùng dẫn đến suy gan, vàng da và xơ gan. Tăng men gan, có thể gặp trong các trường hợp khác: các bệnh về miễn dịch; những người đang điều trị lâu ngày với thuốc kháng sinh, thuốc INH chữa bệnh Lao, thuốc Aldomet hạ áp, thuốc Dilantin chống động kinh; hoặc những người lạm dụng rượu bia v.v... Đặc biệt là những người viêm gan virus mạn tính, họ chính là người lành mang vi trùng và cũng là nguồn lan truyền bệnh cho người khác, nhưng đôi lúc men gan của họ không tăng cao.
Những người có những nguy cơ dưới đây, cần phải được khám nghiệm định kỳ, để kiểm tra men gan, giúp chẩn đoán và phòng bệnh viêm gan lây lan cho cộng đồng:
- Người sử dụng ma tuý, dùng bơm kim tiêm chung với người khác;
- Người đã truyền máu chưa được sàng lọc kỹ;
- Những người chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc, châm cứu, xăm mình v.v… hoặc những người dùng chung các dụng cụ y tế với người bệnh viêm gan mà không được diệt khuẩn đúng quy trình;
- Các nhân viên y tế phải thường xuyên tiếp xúc với máu, mô bệnh và các chất dịch của cơ thể người bệnh mà không được bảo hộ chu đáo;
- Người có quan hệ tình dục với người nhiễm virus viêm gan B dương tính;
- Trẻ sơ sinh mà có mẹ bị viêm gan B dương tính trong thời kỳ mang thai.
Trên đây là những yếu tố nguy cơ gây viêm gan mạn. Vậy thì khi mắc bệnh viêm gan mạn, thường có những biểu hiện thế nào?
Trong thời kỳ đầu của bệnh viêm gan B mãn tính, người hoàn toàn gần như bình thường, không có bất kỳ biểu hiện gì đặc biệt, hoặc nếu có thì cũng rất mơ hồ. Đôi khi người bệnh chỉ cảm thấy nặng bụng hoặc đau nhẹ vùng thượng vị, mầu da kém tươi nhuận hơn trước. Người bệnh thường có tâm lý chủ quan cho rằng do mình ăn uống thiếu điều độ, người không được khỏe. Rất ít người quan tâm đến việc xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Đến khi các biểu hiện rõ ràng như: đau vùng gan, vàng da, tiểu vàng, ăn uống kém ngon, mệt mỏi và sụt cân. Đây cũng là những lý do khiến cho người bệnh tìm đến các cơ sở y tế để khám bệnh và điều trị. Thời gian này việc chẩn đoán bệnh tuy có dễ dàng hơn đôi chút, nhưng việc điều trị cần phài có thời gian lâu dài và sự hợp tác tốt của người bệnh với thầy thuốc mới mang lại hiệu quả tốt được.
Khi nghi ngờ viêm gan mạn, nên làm những xét nghiệm gì?
Ngoài những việc thăm khám thông thường, để phát hiện bệnh viên gan virus, thầy thuốc thường đề nghị bệnh nhân thử máu, với mục đích để tìm kháng nguyên viêm gan B (HbsAg) trong máu người bệnh, giúp cho biết người bệnh có bị nhiễm virus viêm gan B hay không? Nếu HbsAg dương tính có nghĩa là họ đang nhiễm bệnh, nếu cơ thể không có biểu hiện khác thường, thì họ là người lành mang trùng hoặc đang bị viêm gan mạn. Một xét nghiệm đơn giản và có thể thực hiện được tại nhiều cơ sở y tế, là kiểm tra men gan (SGOT, SGPT), để đánh giá sự tổn thương tế bào gan còn diễn tiến cấp tính nữa hay không? Nếu men gan tăng cao hơn 5-10 lần so với bình thường, có nghĩa là tế bào gan đang bị hủy hoại nhiều, bệnh đang giai đoạn tiến triển cấp tính, người bệnh cần được theo dõi và điều trị một cách tích cực. Môt xét nghiệm nữa là thử nghiệm nồng độ Sắc tố mật (bilirubin) trong máu, để biết hệ thống dẫn mật trong gan bị tắc nghẽn nhiều hay ít. Bên cạnh đó, thử chức năng đông máu, nồng độ Protein và Siêu âm gan, Sinh thiết gan cũng rất cần thiết. Để giúp sự đánh gía được mức độ suy tổn chức năng gan nặng hay nhẹ và định hướng cho việc chữa trị bệnh sau này của thầy thuốc được tốt hơn.
Vấn đề điều trị cho người bệnh viêm gan siêu vi là rất khó khăn, không những đối với đông y mà ngay cả với tây y. Cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào, khẳng định và chứng minh rõ ràng, thuốc nam có khả năng tiêu diệt đuợc virus viêm gan ra khỏi cơ thể. Cách điều trị khôn ngoan và có lợi cho người bệnh viêm gan là dùng càng ít thuốc càng tốt, bất kỳ thuốc hóa dược nào dùng kéo dài cũng có thể làm hại gan. Chúng tôi xin trích dẫn một số bài thuốc nam có tác dụng “nhuận gan, lợi mật, tiêu độc” dùng hỗ trợ chức năng tiêu hóa và gan mật, làm tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ tế bào gan. Đã được áp dụng có hiệu quả trong việc cải thiện bệnh viêm gan mạn, HbsAg (+), men gan cao. Người bệnh có thể sử dụng các thảo dược sau đây:
- Diệp hạ châu (Phyllanthus amarus). Mỗi ngày sắc uống khoảng 16–20g, hoặc dùng cây Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata), lấy 8-16g cây khô, đem ngâm vào trong nước sạch một đêm, sau đó lọc bỏ bã, lấy phần nước trong uống mỗi ngày. Cả hai cây thuốc này đều có tác dụng giúp hạ men gan rất tốt và cần phải điều trị thời gian liên tục 1-3 tháng. Nhược điểm của thuốc là rất đắng và khó uống.[1]
- Bồ công anh (Taraxacum mongolicum): có tác dụng lợi mật, giải độc và bảo vệ gan. Mỗi ngày sắc uống 100-120g cây khô, uống liên tục nhiều ngày[2]
- Rạ lúa nếp khô 40-80g, sắc uống mỗi ngày, uống liên tục nhiều ngày, để chữa viêm gan siêu vi A.
- Rau má 40g; Kim tiền thảo 40g. Hai vị thuốc uống mỗi ngày, uống liên tục nhiều ngày. Cũng hỗ trợ chức năng tiêu hóa và gan mật, làm tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ tế bào gan.
- Nấm linh chi 250g; can thảo bắc 200g. Hai vị thuốc tán bột, trộn đều. Mỗi ngày lấy 20-30g hãm uống thường xuyên hằng ngày [3]
- Chữa men gan tăng cao, kéo dài, dùng bài thuốc thành phần gồm có: Ngũ vị tử 200g; nấm Linh chi 200g; Đơn sâm 150g và Sài hồ bắc 100g. Tất cả các vị thuốc tán bột nhuyễn, trộn với mật ong làm hoàn, mỗi lần uống 10-15g, ngày 2-3 lần với nước sôi nguội, mỗi liệu trình điều trị 1 tháng, uống liền 3 liệu trình.
Một số bài thuốc kinh nghiệm chữa viêm gan mãn tính:
a.       Bài thuốc 1: Rau diếp cá 10-20g; rễ cỏ tranh 15-30g; cỏ Cứt lợn (Hy thiêm thảo) 8-12g; Lá mã đề 8-12g. Tất cả các vị phối hợp tạo thành một thang thuốc, mỗi ngày sắc uống một thang. Uống liên tục từ 1-3 tháng.[4]
b.      Bài thuốc 2: Diệp hạ châu 12g; Sâm đại hành 10g; Nhân trần nam 10g; Thổ phục linh 06g; Rau má 10g; Trái dứa dại 10g; Chi tử 06g; Ngũ vị tử 08g; Cỏ mực 06g; Bạch thược 10g; Sinh địa 10g.[5]                              
Gia giảm: Nếu người bệnh có ăn uống kém thêm Đẳng sâm 15g, Hoàng kỳ 16g , nếu tiêu phân lỏng gia thêm Gừng khô 05g, sa nhân 05g. nếu vàng da nhiều tăng liều Nhân trần và chi tử .Nếu có nóng sốt thêm Sài hồ 08g.
Cách dùng: mỗi ngày sắc uống 1 thang, lần đầu sắc cho khoảng 3 chén nước sắc còn # 1 chén (200ml), lần 2 cũng sắc như lần trước, còn hơn ½ chém. Hoà chung hai nước lại với nhau, rồi chia làm nhiều lần uống trong ngày. Dùng liên tục từ 1- 2 tháng.
Những thảo dược trên đây có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan mạn tính, bảo vệ tế bào gan, đề phòng xơ hoá tế bào gan. Thiết nghĩ, đây là bài thuốc đã được nhiều thầy thuốc sử dụng điều trị cho người bị nhiễm HbsAg(+) có cải thiện lâm sàng tốt, ít tác dụng phụ so với các tân dược điều trị viêm gan hiện nay trên thị trường.
Để việc điều trị bệnh viêm gan đạt được kết quả lâu dài, ngoài việc tuân thủ những y lệnh điều trị của bác sỹ. Người bệnh nên chú ý đến việc phòng bệnh:
-          Trong thời gian điều trị bệnh người bệnh nên chủ động giữ tinh thần thoải mái, tránh những lo lắng buồn phiền thái quá về bệnh tật của mình.
-          Nên có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, không nên lao động nặng nhọc quá sức. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nên dùng các thức ăn dễ tiêu hóa như rau đậu, trái cây, sữa, cá thịt nạc cũng nên ăn vừa phải, hạn chế không dùng nhiều dầu mỡ. Không dùng nhiều chất kích thích cay nóng như ớt, tiêu, rượu bia, thuốc lá. Giai đoạn chức năng gan đã bị suy yếu, cần thận trọng dùng các thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau paracetamol, các thảo dược như Phụ tử, Nhũ hương, Tam lăng, Nga truật…Tất cả những loại thuốc này, đều có thể gây hại cho người bị viêm gan mạn. Người bệnh nên tham khảo ý kiến các thầy thuốc trước khi dùng.
-          Cần tiêm phòng vaccin Viêm gan B cho tất cả các người có yếu tố nguy cơ và các trẻ sơ sinh. Đối với cộng đồng dân cư nếu những ai nghi ngờ bị nhiễm bệnh, cần phải khám bệnh định kỳ để được xét nghiệm máu, từ đó có hướng điều trị và phòng chống kịp thời.
-          Khi bệnh viêm gan mạn, nếu biểu hiện sụt cân, bụng to, phù chân. Hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được đánh giá tình trạng bệnh và điều trị thích hợp.
Trích dẫn:
[1]: Cẩm nang thảo dược - tr 76-77
[2]: Trần văn Kỳ. Dược học cổ truyền, tr 108-109
[3]: Trần văn Kỳ. Bệnh gan mật, tr 84-85
[4]: Tạp chí Trung y thiểm tây-1988;3:106
[5]: Hoàng bảo Châu.Chứng Hoàng đản, tr: 310-326
BSCK1 Nguyễn Văn Nghị ((Theo BV YHCT.ĐN) BV YHCT.ĐN)

Từ khoá:  chữa viêm gan
Những bài liên quan
CHỮA BỎNG BẰNG THẢO DƯỢC

Bỏng là một tai nạn thường gặp, nếu bỏng không được xử trí đúng cách thì sẽ là nguyên nhân gây ra những di chứng hoặc tử vong

Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh lao

Lao phổi trong Đông Y gọi là bệnh phế lao, là một bệnh truyền nhiễm khó trị. Phế lao là một bệnh với các triệu chứng như: Mệt mỏi, sốt về chiều, ho ra máu lẫn đờm, họng khô, rêu lưỡi đỏ, mạch tế sác..

ĐIỀU TRỊ METHADONE HẾT BAO NHIÊU TIỀN? CÁC CHI PHÍ

ĐIỀU TRỊ METHADONE HẾT BAO NHIÊU TIỀN? CÁC CHI PHÍ

CHỈ ĐƯỜNG ĐI TỚI CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ METHADONE VĨNH CỬU

CHỈ ĐƯỜNG ĐI TỚI CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ METHADONE VĨNH CỬU

Điều trị đau vai gáy bằng xoa bóp bấm huyệt

Đau vai gáy là một bệnh hay gặp trong lâm sàng, gây đau nhức khó chịu, ảnh hưởng đến sức khoẻ


Đặt lịch khám bệnh
Ghi chú: Quý bệnh nhân có thể nhấn vào link trên để đặt lịch hẹn khám bệnh ưu tiên từ 7h đến 11h vào những ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.


Giờ làm việc
Thứ 2 đến thứ 6:
   - Sáng: 07h00 – 11h30
   - Chiều: 13h30 – 17h00
Thứ 7, CN & ngày lễ trực cấp cứu.

Giờ khám bệnh
Thứ 2 đến thứ 6:
   - Sáng: 07h00 – 11h30
   - Chiều: 13h30 – 17h00
Thứ 7, CN & ngày lễ trực cấp cứu.



Dành cho Bệnh nhân
Mã số:
Xem bệnh sử và tình hình sức khoẻ cá nhân.


Thông tin liên hệ

Trung tâm Y tế Huyện Vĩnh Cửu

Số 224 Đường Phan Chu Trinh, TT Vĩnh An, Vĩnh Cửu, Đồng Nai

Bản quyền thuộc về YteVinhCuu © 2011-2024

Phát triển bởi: HoSyAnh & KhaLa

Liên kết mạng xã hội