ĐÔI ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ RƯỢU THUỐC
Rượu thuốc – một chế phẩm hết sức độc đáo của y học cổ truyền – từ lâu đã trở nên quen thuộc với mọi người đặc biệt là với cách mày râu. Tuy nhiên, vì hiểu biết chưa đầy đủ nên không ít người đã sử dụng rượu thuốc một cách tuỳ tiện, thậm chí còn lạm dụng khiến cho công dụng bồi bổ chẳng thấy đâu mà nhiều khi còn đưa đến những tai họa không đáng có…
* RƯỢU THUỐC LÀ GÌ?
Rượu thuốc là những chế phẩm lỏng được điều chế bằng phương pháp chiết xuất từ các loại dược liệu thảo mộc hoặc động vật với rượu nhằm mục đích điều trị bệnh tật hoặc để bảo vệ và nâng cao sức khoẻ. Trong thành phần của rượu thuốc có khi chỉ có một vị (rượu đơn), nhưng thường thì có khá nhiều vị được phối hợp với nhau để phát huy tác dụng của thuốc (rượu kép). Công lực của dược tửu phụ thuộc vào hai nhân tố là rượu và thuốc. Việc lựa chọn các vị thuốc khác nhau sẽ tạo ra những loại rượu có tác dụng không giống nhau.
* RƯỢU THUỐC CÓ TỪ BAO GIỜ?
Rượu thuốc có một lịch sử rất lâu đời. Trong văn tự giáp cốt (chữ viết trên xương và mai rùa) thời cổ ở Trung Quốc có chép "ngâm thuốc vào rượu", đó là nói đến loại rượu thuốc có hương vị thơm ngon dùng vào việc cúng tế và chữa bệnh. Hai phương rượu thuốc sớm nhất được ghi trong các y thư cổ là "Kê thỉ lễ" (trong sách Nội kinh) và "Hồng lam hoa tửu" (trong sách Kim quỹ yếu lược). Các sách thuốc kinh điển khác như Thương hàn tạp bệnh luận, Trửu hậu bị cấp phương, Thiên kim phương, Thái bình thánh huệ phương, Thánh tễ tổng lục... đều đã đề cập đến rượu thuốc trên mọi phương diện.
* CÓ BAO NHIÊU LOẠI RƯỢU THUỐC ?
Có rất nhiều phương rượu thuốc. Nếu căn cứ vào số vị thuốc trong phương có thể chia ra làm hai loại: rượu đơn (độc vị) và rượu kép (đa vị); nếu căn cứ vào công dụng có thể chia ra làm hai loại lớn: rượu bổ và rượu bệnh hoặc chia ra làm nhiều loại khác nhau như rượu khu phong, rượu kiện tỳ; nếu căn cứ vào cách dùng có thể chia ra làm hai loại: rượu uống trong và rượu dùng ngoài...
* NGUYÊN TẮC DÙNG RƯỢU THUỐC?
Rượu thuốc cũng là một loại dược phẩm cho nên khi dùng nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc: đúng bệnh, đúng người và đúng liều lượng, không được tuỳ tiện và thái quá. Nếu để trị bệnh thì trước hết người bệnh phải được thầy thuốc chuyên khoa khám xét tỉ mỉ và chẩn đoán chính xác, sau đó mới chọn phương và bào chế cho phù hợp. Nếu để bồi bổ với mục đích bảo vệ và nâng cao sức khoẻ thì cũng cần phải căn cứ vào các đặc điểm của người dùng để từ đó chọn phương lựa dược cho thích đáng. Chỉ có trên cơ sở chẩn bệnh một cách biện chứng thì mới lựa chọn và điều chế rượu thuốc phù hợp và có chất lượng, ngược lại sẽ không có tác dụng, thậm chí có thể gây hại.
* THẾ NÀO LÀ RƯỢU BỔ ÂM?
Là loại rượu dùng cho những bị bệnh thuộc thể Âm hư hoặc có thể chất thiên về âm hư, biểu hiện bằng các chứng trạng như người gầy, miệng ráo họng khô, hay hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, hay mơ mộng, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay và bàn chân nóng, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, gò má đỏ, di tinh, ù tai, đại tiện táo, tiểu tiện lượng ít sắc vàng, lưỡi khô đỏ, ít hoặc không có rêu… Những người có chứng dương hư không nên dùng loại rượu này.
* THẾ NÀO LÀ RƯỢU BỔ DƯƠNG?
Là loại rượu dùng cho người bị bệnh thuộc thể Dương hư hoặc có thể chất thiên về dương hư, biểu hiện bằng các chứng trạng như hay sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng bệch, mệt mỏi như mất sức, dễ đổ mồ hôi, hay có cảm giác khó thở, ngại nói, miệng nhạt không khát, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng nát, hay bị cảm lạnh, di tinh, liệt dương, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng... Những người có chứng âm hư không nên dùng các loại rượu này.
* THẾ NÀO LÀ RƯỢU BỔ HUYẾT?
Là loại rượu dùng cho những người bị bệnh thuộc thể Huyết hư hoặc có thể chất thiên về huyết hư, biểu hiện bằng các chứng trạng như sắc mặt nhợt nhạt, hay hoa mắt chóng mặt, tim hồi hộp, mất ngủ, tay chân tê bì, phụ nữ kinh nguyệt không đều, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng...
* THẾ NÀO LÀ RƯỢU BỔ KHÍ?
Là loại rượu dùng cho những người bị bệnh thuộc thể Khí hư hoặc có thể chất thiên về khí hư, biểu hiện bằng các chứng trạng như tinh thần mỏi mệt, khó thở, ngại nói, sắc mặc trắng nhợt, đầu choáng mắt hoa, hay hồi hộp trống ngực, dễ đổ mồ hôi, ăn kém chậm tiêu, đại tiện lỏng nát, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng...
Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh trạng thường đan xen với nhau nên người ta thường phối hợp các loại rượu để tạo nên công dụng song bổ, ví như sự kết hợp giữa thuốc bổ âm và bổ dương, hoặc bổ khí và bổ huyết.
Đôi điều nên biết về tảo Spirulina
Người ta hay ví hoa Phù dung với sắc đẹp của người con gái “sớm nở tối tàn” và cũng mang một ý nghĩa buồn là vắn số...
Các triệu chứng nghi lao như ho kéo dài, sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân hoặc ra mồ hôi đêm kéo dài, kém ăn, mệt mỏi...
Những điều cần biết về bệnh viêm màng não do não mô cầu
Rau thơm là gia vị phù hợp cho bữa ăn. Nhưng những loại rau ấy đã góp phần không nhỏ trong việc phòng và chữa bệnh.
Thông tin liên hệ
Số 224 Đường Phan Chu Trinh, TT Vĩnh An, Vĩnh Cửu, Đồng Nai
Bản quyền thuộc về YteVinhCuu © 2011-2024
Liên kết mạng xã hội