Kha tử- Vị thuốc chữa ho, khản tiếng
Hạt kha tử
Tên thường gọi: Kha tử, chiêu liêu, kha lê lặc...
Mô tả: Cây kha tử hay cây chiêu liêu là một cây thuốc quý dạng cây gỗ cao 15 - 20m. Lá mọc đối, cuống ngắn. Hoa mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá thành bông, tràng hoa màu trắng, có mùi thơm. Quả hình trứng, 2 đầu nhọn có 5 cạnh dọc. Đường kính 2,5 - 3cm; dài 3 - 5cm. Vỏ màu nâu nhạt. Hạch (hột) cứng chắc, thịt dày (khi khô chỉ còn 2 - 4mm), vị chua chát.
Kha tử là cây ưa sáng khi trưởng thành, nhưng chịu bóng khi non.
Phân bố: Kha tử mọc nhiều ở rừng thưa, rừng thứ sinh. Ở huyện Vĩnh Cửu, kha tử phân bố chủ ở khu vực khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, chủ yếu ở địa bàn ấp 2 và ấp 5, Chiến khu D thuộc xã Mã Đà.
Thu hái chế biến: Quả chín thu hái từ tháng 6 đến tháng 8, phơi nắng cho khô. Nên chọn quả già chín phơi khô, vỏ ngoài có màu vàng ngà, thịt chắc là tốt, loại trái non, ốp lép là xấu
Theo kinh nghiệm Viện Đông y Việt Nam: Khi dùng Kha tử rửa sạch, để ráo nước, sao sơ, lúc bốc thuốc thang, giã dập, bỏ hạt dùng
Tính vị: Đắng, say, se và tính ôn
Quy kinh: Phế, đại trường
Công dụng: Liễm phế chỉ khái, sáp tràng chỉ tả.
Cách trị ho bằng kha tử:
Khi bị viêm họng hay khi vừa cảm thấy nuốt khó hoặc hơi đau ở họng khi nuốt thì phải trị ngay bằng cách: ngậm 1 quả kha tử, nuốt nước từ từ cho đến khi hết chất chát. Vài giờ sau nếu chưa cảm thấy hết khó chịu thì ngậm 1 quả nữa. Có thể gọt một miếng củ nghệ tươi bằng đầu ngón tay cái để ngậm như kha tử. Thường nên ngậm ngay khi cảm thấy họng nuốt khó, chỉ cần ngậm 1 quả kha tử đã hết viêm họng. Nếu dùng thuốc trễ thì mỗi ngày ngậm 3 quả, ngậm 2 – 3 ngày thì viêm họng, ho khan tiếng, tắt tiếng đều khỏi
. Cách khác là với 8g kha tử kết hợp với 6g cam thảo, 10g cát cánh, đem sắc lấy nước uống hàng ngày. Dùng nhiều trong điều trị ho có đờm cho bé: nướng kha tử lên, sau đó thả vào cốc nước nóng có pha chút muối cho bé ngậm, rất hiệu quả. Ho lâu ngày: dùng kha tử, đảng sâm mỗi vị 4g sắc với 400ml, còn 1/2 chia uống 3 lần.
Bs Phan Lê Ý