Ngày đăng: 12/05/2011  

ÐẶC TÍNH CỦA MỘT SỐ LOẠI THUỐC TRỊ CAO HUYẾT ÁP
Theo phân loại bệnh tăng huyết áp mới (the JNC 7 report) ta cần lưu ý đến giai đoạn tiền tăng huyết áp (prehypertension), thể hiện huyết áp trên 120-139 và huyết áp dưới 80-90, giai đoạn này cần phải thay đổi lối sống (ăn nhạt, vận động thể lực).
Có nhiều thuốc trị cao huyết áp đang được sử dụng ở nước ta, chia thành nhiều nhóm với một số đặc tính như sau:
1. Nhóm thuốc lợi tiểu: Gồm có Hydroclorothiazid, Indapamid, Furosemid, Spironolacton, Amilorid, Triamteren… Cơ chế của thuốc là làm giảm sự ứ nước trong cơ thể, tức làm giảm sức cản của mạch ngoại vi, dẫn đến làm hạ huyết áp. Dùng đơn độc khi bị huyết áp nhẹ, có thể phối hợp với thuốc khác khi cao huyết áp nặng thêm. Cần lựa chọn loại phù hợp do có loại làm thải nhiều kali, loại giữ kali, tăng acid uric trong máu, tăng cholesterol máu.
2. Nhóm thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương: Gồm có Reserpin, Methyldopa, Clonidin… Cơ chế của thuốc là hoạt hóa một số tế bào thần kinh gây hạ huyết áp. Hiện nay ít dùng do tác dụng phụ gây trầm cảm, khi ngừng thuốc đột ngột sẽ làm tăng vọt huyết áp.
3. Nhóm thuốc chẹn alpha: Gồm có Prazosin, Alfuzosin, Terazosin, Phentolamin… Cơ chế của thuốc là ức chế giải phóng noradrenalin tại đầu dây thần kinh (là chất sinh học làm tăng huyết áp), do đó làm hạ huyết áp. Có tác dụng phụ gây hạ huyết áp khi đứng lên (hạ huyết áp tư thế đứng), đặc biệt khi dùng liều đầu tiên.
4. Nhóm thuốc chẹn beta: Gồm có Propanolol, Pindolol, Nadolol, Timolol, Metoprolol, Atenolol, Labetolol, Acebutolol… Cơ chế của thuốc là ức chế thụ thể beta – giao cảm ở tim, mạch ngoại vi, do đó làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Thuốc dùng tốt cho bệnh nhân có kèm đau thắt lưng, ngực hoặc nhức nửa đầu. Chống chỉ định đối với người có kèm hen suyễn, suy tim, nhịp tim chậm.
5. Nhóm thuốc đối kháng calci: Gồm có Nifedipin, Nicardipin, Amlodipin, Felodipin, Isradipin, Verapamil, Diltiazem… Cơ chế của thuốc là chặn dòng ion calci không cho đi vào tế bào cơ trơn của các mạch máu, vì vậy gây giãn mạch và từ đó làm hạ huyết áp. Dùng tốt cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực, hiệu quả đối với bệnh nhân cao tuổi, không ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể.
6. Nhóm thuốc ức chế men chuyển: Gồm có Captopril, Enalapril, Benazepril, Lisinopril, Perindopril, Quinepril, Tradola-pril… Cơ chế của thuốc là ức chế một enzym có tên là men chuyển angiotensin (angiotensin converting enzym, viết tắt ACE). Nhờ men chuyển angiotensin xúc tác mà chất sinh học angiotensin I biến thành angiotensin II và chính chất sau này gây co thắt mạch làm tăng huyết áp. Nếu men chuyển ACE bị thuốc ức chế (làm cho không hoạt động) sẽ không sinh ra angiotensin II, gây ra hiện tượng giãn mạch và làm hạ huyết áp. Thuốc hữu hiệu trong 60% trường hợp khi dùng đơn độc (tức không kết hợp với thuốc khác). Là thuốc được chọn khi bệnh nhân bị kèm hen suyễn (chống chỉ định với chẹn beta), đái tháo đường (lợi tiểu, chẹn beta). Tác dụng phụ: làm tăng kali huyết và gây ho khan.
7. Nhóm thuốc mới ức chế thụ thể angiotensin: Những thuốc dùng trị huyết áp thuộc các nhóm kể trên vẫn còn nhiều nhược điểm về mặt hiệu quả cũng như các tác dụng phụ, vì vậy việc nghiên cứu tìm những thuốc mới vẫn tiếp tục được đặt ra. Ðặc biệt, nhóm thuốc ức chế men chuyển xuất hiện từ đầu những năm 1980 (được công nhận là thuốc không thể thiếu trong điều trị cao huyết áp) đã thúc đẩy các nhà khoa học tìm ra những thuốc mới tác động đến men chuyển ACE. Các nghiên cứu gần đây nhận thấy nếu tác dụng chính vào men chuyển ACE, làm cho men này bất hoạt thì thuốc sẽ gây nhiều tác động phụ như ho khan (là tác dụng phụ khiến nhiều người bệnh bỏ thuốc không tiếp tục dùng). Nguyên do là vì men chuyển ACE không chỉ xúc tác biến angiotensin I thành angiotensin II gây tăng huyết áp mà còn có vai trò trong sự phân hủy một chất sinh học khác có tên là bradykinin. Nếu ức chế men ACE, bradykinin không được phân hủy ở mức cần thiết, sẽ thừa và gây nhiều tác dụng, trong đó có ho khan. Thay vì ức chế men ACE, hướng nghiên cứu mới là tìm ra các thuốc có tác dụng ngăn không cho angiotensin II gắn vào thụ thể của nó (angiotensin II receptors, type 1) nằm ở mạch máu, tim, thận, do đó sẽ làm hạ huyết áp. Vì thế, hiện nay có nhóm thuốc mới trị cao huyết áp là nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (Angiotensin II receptors antagonists). Thuốc đầu tiên được dùng là Losartan, sau đó là Irbesartan, Candesardan, Valsartan… Nhóm thuốc mới này có tác dụng hạ huyết áp, đưa huyết áp về trị số bình thường, tương đương với các thuốc nhóm đối kháng calci, chẹn beta, ức chế men chuyển. Ðặc biệt, tác dụng hạ áp của chúng tốt hơn nếu phối hợp với thuốc lợi tiểu Thiazid. Lợi điểm của nhóm thuốc này là do không trực tiếp ức chế men chuyển nên gần như không gây ho khan như nhóm ức chế men chuyển, hoặc không gây phù như thuốc đối kháng calci. Tác dụng phụ có thể gặp là chóng mặt, hoặc rất hiếm là gây tiêu chảy. Chống chỉ định của thuốc là không dùng cho phụ nữ có thai hoặc người bị dị ứng với thuốc.
MỘT SỐ NGUYÊN TẮC CẦN TUÂN THỦ KHI DÙNG THUỐC
ÐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP
Các thuốc thuộc những nhóm kể trên đều có ở nước ta. Ðể điều trị bằng thuốc, người bệnh cần đi khám và được bác sĩ điều trị chỉ định, hướng dẫn sử dụng thuốc. Bởi vì chỉ có bác sĩ mới nắm vững tính năng của thuốc, khám bệnh trực tiếp và sẽ lựa chọn loại thuốc thích hợp, chỉ dẫn các nguyên tắc dùng thuốc. Sự lựa chọn thuốc trị cao huyết áp sẽ tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, có sự tổn thương các cơ quan (như suy thận, suy tim, dây thất trái…), có kèm bệnh đái tháo đường… Ðặc biệt, các bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Trước hết, dùng thuốc với liều thấp ban đầu và tăng liều dần dần với chỉ một loại thuốc. Khi mới bị tăng huyết áp, khuyến cáo mới khuyên nên dùng thuốc đầu tiên là nhóm lợi tiểu, đặc biệt là nhóm Thiazid.
- Nếu không hiệu quả mới kết hợp hai nhóm thuốc. Theo khuyến cáo mới (JNC 7), tuy mới bị bệnh nhưng khi huyết áp của người bệnh cao hơn mức cần phải đạt khá nhiều (huyết áp trên cao hơn 20mmHg, huyết áp dưới cao hơn 10mmHg), thì người bệnh cần được điều trị ngay với 2 thuốc phối hợp, thông thường có thuốc lợi tiểu.
- Nếu thuốc được chọn đầu tiên có hiệu quả kém và gây nhiều tác dụng phụ thì nên đổi nhóm thuốc khác, chứ không cần tăng liều hoặc kết hợp thêm thuốc thứ hai.
- Nên dùng loại thuốc cho tác dụng kéo dài, loại uống 1 lần trong ngày.
Xin lưu ý, các thuốc thuộc nhóm ức chế thụ thể angiotensin II hiện nay đã bắt đầu lưu hành ở nước ta, tuy chưa được dùng rộng rãi. Một số bệnh nhân được người thân từ nước ngoài gởi về thuốc loại này cứ tự tiện sử dụng mà không hỏi ý kiến bác sĩ đang trực tiếp điều trị. Dùng như thế là không đúng, vì theo trình bày ở phần trên, thuốc trị cao huyết áp có nhiều loại và vấn đề sử dụng khá phức tạp. Chỉ có bác sĩ điều trị mới là người có thẩm quyền chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc thế nào cho an toàn và hiệu quả. Ðặc biệt, bác sĩ có thể quyết định có nên thay thuốc điều trị lâu nay bằng một thuốc mới hay không, chứ không nhất thiết luôn luôn phải dùng thuốc mới.
THẾ NÀO ĐƯỢC GỌI LÀ TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp được định nghĩa là khi huyết áp của bạn (huyết áp tâm thu và/hoặc huyết áp tâm trương) cao hơn mức bình thường. Theo tổ chức y tế thế giới, tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg.
Mặc dù có nhiều cố gắng trong chuẩn đoán và điều trị nhưng tăng huyết áp vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do bệnh lý tim mạch trên toàn thế giới.
Phân loại Huyết áp ở người lớn 18 tuổi theo
hội tăng huyết áp quốc tế, JNC VII và WHO (1999)
Phân độ
HATT (mmHg)
HATTr (mmHg)
Tối ưu
< 120
Và < 80
Bình thường
120 – 129
Và/hoặc 80 – 84
Bình thường cao
130 – 139
Và/hoặc 85 – 89
Tăng huyết áp độ 1
140 – 159
Và/hoặc 90 – 99
Tăng huyết áp độ 2
160 – 179
Và/hoặc 100 – 109
Tăng huyết áp độ 3
≥ 180
Và/hoặc ≥ 110
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc
≥ 140
Và < 90
Huyết áp bình thường cao là mức huyết áp được xem là giới hạn trên của người bình thường, là “cao” ở các đối tượng có nguy cơ cao và chấp nhận được ở người có nguy cơ thấp hơn. 

Các biến chứng ở cơ quan đích ở bệnh nhân tăng huyết áp ?

Cơ quan
Biến chứng
Triệu chứng tim
Não
         Chảy máu não và nhũn não.
         Liệt một phần than thể hoặc hôn mê, nói ngọng hoặc không nói ngọng.
Tim
         Tim to, rối loạn nhịp tim, đột tử.
         Suy tim.
         Nhồi máu cơ tim.
         Thiếu máu cơ tim.
         Hồi hộp khó thở
         Tim đập không đều.
         Đau ngực.
Thận
         Tiểu đạm
         Suy thận
         Phù, da xanh, dễ mệt
Mắt
         Tổn thương võng mạc
         Mắt mờ, mù mắt
      Mục đích của việc điều trị bệnh nhân tăng huyết áp là giảm tối đa nguy cơ dài hạn bị các biến chứng tim mạch và tử vong. Điều này đòi hỏi phải điều trị tất cả các yểu tố nguy cơ như hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, tiểu đường…
-         Nên hạ huyết áp một cách tích cực, cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, ít nhất là dưới 140/90 mmHg và hạ thấp hơn nữa nếu bệnh nhân dung nạp được. Hạ huyết áp dưới 130/80 mmHg trên người tiểu đường. Dưới 125.70 mmHg nếu bệnh nhân suy thận có lượng Protein niệu trên 1 gam trong 24 giờ.
-         Khi dù ng huyết áp đo tại nhà hoặc huyết áp theo dõi liên tục để đánh giá kết quả điều trị, phải nhớ rằng các trị số đo được bằng những phương pháp đó (so với trị số huyết áp đo được tại phòng khám) bình quân thấp hơn ít nhất 5 – 15 mmHg đối với huyết áp tâm thu và 5 – 10 mmHg đối với huyết áp tâm trương
Tăng huyết áp là bệnh phải điều trị liên tục, kéo dài và thậm chí có thể suốt cuộc đời.Không được dừng điều trị vì rất nguy hiểm.
-         Trong quá trình bạn uống thuốc, trị số huyết áp trở về bình thường thì đó mới chỉ đạt mục tiêu điều trị, do vậy bạn không được ngừng điều trị, khi muốn thay đổi thuốc phải hỏi ý kiến bác sĩ của bạn.
-         Bệnh nhân tự ngưng điều trị tăng huyết áp thì sẽ bị tái phát huyết áp ở mức như trước khi điều trị hay thậm chí còn cao hơn và đây là thời điểm thường xảy ra các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
sưu tầm ((Theo BÁO SỨC KHỎE ĐỜI SỐNG) BÁO SỨC KHỎE ĐỜI SỐNG)

Từ khoá:  cao huyết áp
Những bài liên quan
Phòng chống bệnh tăng huyết áp

Để phòng chống bệnh tăng huyết áp, cần lưu ý những điều sau

Biến chứng của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp có những biến chứng gì?

TÌM HIỂU VỀ BỆNH SỞI VÀ BỆNH RUBELLA

Bệnh Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi và rubella gây nên. B

TĂNG HUYẾT ÁP TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG

TĂNG HUYẾT ÁP TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG

TÌM HIỂU VỀ NHÂN XƠ TỬ CUNG

Em 26 tuổi, đi siêu âm ỏ bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ, bác sĩ cho biết bị nhân xơ tử cung (kích thước 29mm x 28mm). Nhân xơ có khác gì u xơ không?


Đặt lịch khám bệnh
Ghi chú: Quý bệnh nhân có thể nhấn vào link trên để đặt lịch hẹn khám bệnh ưu tiên từ 7h đến 11h vào những ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.


Giờ làm việc
Thứ 2 đến thứ 6:
   - Sáng: 07h00 – 11h30
   - Chiều: 13h30 – 17h00
Thứ 7, CN & ngày lễ trực cấp cứu.

Giờ khám bệnh
Thứ 2 đến thứ 6:
   - Sáng: 07h00 – 11h30
   - Chiều: 13h30 – 17h00
Thứ 7, CN & ngày lễ trực cấp cứu.



Dành cho Bệnh nhân
Mã số:
Xem bệnh sử và tình hình sức khoẻ cá nhân.


Thông tin liên hệ

Trung tâm Y tế Huyện Vĩnh Cửu

Số 224 Đường Phan Chu Trinh, TT Vĩnh An, Vĩnh Cửu, Đồng Nai

Bản quyền thuộc về YteVinhCuu © 2011-2024

Phát triển bởi: HoSyAnh & KhaLa

Liên kết mạng xã hội