Khổ qua rừng hay còn gọi là mướp đắng, mướp mủ, cẩm lệ chi; có chu kỳ sống 3-4 tháng, thuộc họ bầu bí. Thân có cạnh, dây có thể bò 2-3m. Lá mọc so le, dài 5-10 cm, rộng 4-8cm, phiến lá chia làm 5-7 thùy, hình trứng, mép khía răng; gân lá có lông ngắn. Hoa đực và hoa cái mọc riêng ở nách lá, có cuống dài, cánh hoa màu vàng. Quả hình thoi, bằng ngón tay cái, lớn nhất bằng ngón chân cái người lớn, mặt ngoài có nhiều u lồi. Quả chưa chín có màu xanh, khi chín màu vàng.
Khổ qua rừng mọc hoang dại tự nhiên, phổ biến ở các vùng miền núi và trung du, rừng thưa. Ngày nay người ta đã nhân giống và trồng được ở nhiều nơi. So với khổ qua nhà, lá cũng như quả của khổ qua rừng nhỏ hơn và vị cũng đắng hơn rất nhiều. Người dân thường hái lá non và đọt khổ qua rừng để chế biến món ăn, tuy hơi đắng nhưng có dược tính cao hơn khổ qua thường.
Trong khổ qua rừng có một số hợp chất có hoạt tính sinh học, chủ yếu là momordicin I và II, cucurbitacin B và một số hợp chất khác, nước, protein, lipid, carbohydrat, khoáng chất như calcium, potassium, magné, sắt, kẽm, với nhiều lượng vitamin B1, B2, A, C… giúp nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể. Toàn thân rễ, lá, quả khổ qua rừng đều có thể dùng làm vị thuốc.
Khổ qua rừng dùng làm rau hoặc nấu nước uống có tính hàn, tác dụng giải nhiệt, bổ huyết, bổ gan, giải độc, chống lão hóa và phòng ngừa các bệnh tim mạch, huyết áp, tổn thương thần kinh, giảm lượng đường trong máu, ổn định đường huyết nên rất thích hợp với người bị bệnh tiểu đường, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn ngừa không cho chúng nhân ra. Kích thích chức năng tiêu hóa, lợi tiểu, lưu thông máu, giảm mỡ máu, chống viêm, hạ sốt, mát tim, sáng mắt, cắt cơn ho trong bệnh phổi. Dùng khổ qua như một thức uống bổ tỳ vị hằng ngày cùng phối hợp trị bệnh rất hữu hiệu; đặc biệt dùng thường xuyên sẽ giúp giảm các bệnh ngoài da, làm cho da dẻ mịn màng. Dây và lá khổ qua nấu nước tắm trị rôm sảy cho trẻ em rất tốt.
Trong Y học dân gian và Y học cổ truyền, các bộ phận của dây khổ qua rừng từ lá, dây, quả và cả hạt đều có nhiều công dụng dược liệu để chữa nhiều bệnh khác nhau. Dây và lá khổ qua tươi đem nấu hoặc giã lấy nước để uống hằng ngày, hay chặt khúc ngắn 3-4 cm, đem phơi khô cất dành sang mùa nắng để nấu nước uống giải khát thường xuyên thay nước trà, nước lọc. Khổ qua rừng có tác dụng ngừa thai nên phụ nữ đang mang thai hoặc muốn có con không nên dùng. Phụ nữ muốn giảm cân uống hoặc ăn khổ qua rừng thường xuyên có tác dụng tiêu hao lượng mỡ khá hiệu quả và ức chế sự thèm ăn.
Thời gian gần đây khổ qua rừng là món đặc sản trong thực đơn các nhà hàng. Ăn khổ qua rừng không phải lo nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, không có phân bón và thuốc hóa học. Về mặt dược liệu thì khổ qua rừng do sống trong tự nhiên, nên là loại rau sạch tinh khiết và có giá trị dược liệu mạnh hơn khổ qua trồng.
Để chế biến món ăn có thể dùng quả, lá, đọt non của khổ qua rừng làm rau xào, ăn sống, luộc, nấu canh, nhất là ăn kèm với lẩu, đặc biệt món lẩu cua đồng. Khi chế biến có thể giảm bớt vị đắng của khổ qua bằng cách bóp muối và rửa trước khi nấu; nhưng nhiều người vẫn thích vị đắng nguyên thủy của khổ qua rừng.
Hiện nay rau khổ qua rừng hái từ tự nhiên không đủ đáp ứng nhu cầu; trong khi quy trình trồng và chăm sóc khổ qua rừng khá đơn giản nên một số nông dân đã mạnh dạn đầu tư và nhân giống để trồng ở vườn nhà.
Mỹ Nhân